Cụ thể, chỉ có một vài ngân hàng (NH) thương mại nhỏ tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4%-5%/năm.
NHNN cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Cơ quan này cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay…
Dưới góc độ NH thương mại, ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết với diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất USD quốc tế dự kiến tăng và áp lực lạm phát nên việc ổn định mặt bằng lãi suất của năm 2017 là nỗ lực lớn của các NH. Tại Vietcombank, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong tháng 1-2017, một số NH thương mại đã tung ra các chương trình khuyến mại và nhích nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn để thu hút người gửi tiền.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định lãi suất khó giảm trong năm nay và phấn đấu ổn định được lãi suất đã là nỗ lực của ngành NH. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng việc giữ vững mặt bằng lãi suất như trong năm 2016 gặp một số thách thức. Cụ thể, lạm phát có khả năng tăng trong năm nay khi giá hàng hóa thế giới phục hồi, lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng và áp lực từ phía tỉ giá. Nợ xấu và tái cơ cấu tại một số NH yếu kém cũng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất. Cộng thêm ảnh hưởng của việc áp dụng quy định của Thông tư 06 về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ ngày 1-1-2017, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với các NH thương mại giảm xuống còn 50% và từ đầu năm 2018 tỉ lệ này giảm xuống còn 40%.
Bình luận (0)