Ghi nhận của Báo Người Lao Động từ cuối năm 2020 đến nay, làn sóng hạ lãi suất huy động của nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã chững lại. Thậm chí, một vài NH thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động nhích lên so với tháng trước.
Nhiều dự báo tăng
Có khoản tiền 500 triệu đồng gửi tiết kiệm đến hạn tất toán, chị Kim Khánh (ngụ quận 1, TP HCM) băn khoăn không biết nên tiếp tục gửi NH hay tìm kênh đầu tư khác. Dạo một vòng biểu lãi suất qua website của các NH thương mại, chị Khánh thấy lãi suất giảm nhiều so với đầu năm ngoái.
Như tại NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), biểu lãi suất tiền gửi mới nhất áp dụng từ đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng 0,1-0,5 điểm % so với biểu trước đó, cả ở kỳ hạn ngắn và dài. Trong đó, kỳ hạn dài 13-23 tháng, lãi suất cao nhất đã tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm…
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2020, triển vọng 2021 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, đòi hỏi cơ quan quản lý cần lưu ý.
Lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên từ đầu năm 2021 Ảnh: TẤN THẠNH
Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong năm nay, tại báo cáo về triển vọng thị trường 2021. Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi. SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ nằm trong khoảng 13%-14%, cao hơn so với mức khoảng 11% của năm 2020, nhờ kinh tế phục hồi khi các nước sản xuất thành công vắc-xin phòng dịch Covid-19; sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp (DN) sang tín dụng NH; tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
Tại báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, các chuyên gia phân tích lại có một góc nhìn khác khi cho rằng với ước tính lạm phát năm nay ở mức 3,5%, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ. NH Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Ngân hàng nói ổn định
Trong khi đó, nhiều DN và khách hàng cá nhân vẫn tiếp tục ngóng lãi suất cho vay giảm thêm. Chia sẻ tại tọa đàm về kết nối DN du lịch - NH, gỡ khó về vốn, chính sách do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, nhiều DN du lịch cho rằng lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi vay lại chưa giảm tương xứng, khiến DN vẫn gặp khó về tài chính. Anh Văn Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết gia đình anh đang phải chịu mức lãi suất lên tới 10,5%/năm cho khoản vay mua nhà tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong khi lãi suất tiền gửi cao nhất tại NH này hiện chỉ 5,6%/năm kỳ hạn gửi 12 tháng.
Trường hợp của anh Thanh hiện nay không phải cá biệt, bởi rất nhiều khách hàng DN và cá nhân đang có những khoản vay cũ với lãi suất cao gần gấp đôi so với lãi suất huy động, khiến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn. Dù dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến các hộ gia đình, DN nhỏ và vừa. Khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hầu hết DN vẫn hoạt động dưới mức công suất trước dịch bệnh và khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định NIM (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) của các NH thương mại hiện nay ở mức khá cao. Trong khi lãi suất huy động đã về đáy trong nhiều năm và khó có thể giảm thêm do phải đặt trong bài toán với lạm phát, thị trường kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục đi xuống để hỗ trợ khách hàng. "Năm 2020, lãi suất huy động giảm nhưng dòng tiền vẫn chảy vào NH, nguyên nhân là do dịch Covid-19 nên người dân, DN chưa mặn mà đổ vốn vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2021, khi dịch được kiểm soát, dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhiều hơn… sẽ khiến lãi suất huy động khó giảm thêm. Đổi lại, các NH nên giảm thêm lãi vay để khuyến khích khách hàng vay vốn, thúc đẩy dòng vốn vào đầu tư, kinh doanh nhiều hơn" - TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay có thể giảm thêm nhờ lãi suất huy động ổn định ở mặt bằng thấp tạo tiền đề kéo lãi vay giảm, nhất là ở các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Lãi suất cho vay được dự báo giảm từ 0,3-0,5 điểm % do độ trễ giữa lãi suất huy động và cho vay cần ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn trong bối cảnh NH thương mại ưu tiên chất lượng tín dụng.
Dưới góc nhìn của NH thương mại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng kinh tế hồi phục nhanh sau dịch Covid-19 khiến nhu cầu tín dụng tăng cao hơn năm 2020, từ đó có thể kéo lãi suất tăng. Nhưng ở chiều ngược lại dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, thanh khoản của các NH vẫn rất dồi dào… sẽ giúp ổn định lãi suất. "Mục tiêu giảm lãi vay cũng được Chính phủ, NH Nhà nước đưa ra nhằm kéo chi phí tài chính của DN trong nước xuống thấp hơn. Do đó, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định trong 2021" - ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), lãi suất đầu vào rất khó tăng lên trong bối cảnh cầu tín dụng vẫn yếu, thanh khoản NH dồi dào. Huy động nhiều mà không cho vay ra được là bài toán NH phải cân nhắc, do đó lãi suất tiền gửi khó tăng mạnh trong năm nay. "Một điểm đáng lưu ý là dòng tiền đầu tư từ nước ngoài nhiều khả năng sẽ chảy sang các nước kinh tế tăng trưởng như Việt Nam, khi lãi suất ở nhiều nước đang âm. Một số NH thương mại còn tính chuyện huy động vốn từ thị trường quốc tế, từ quỹ đầu tư, bên cạnh dòng tiền từ dân cư, thị trường trong nước. Do đó, lãi suất cho vay có thể giảm thêm để hỗ trợ DN, trong khi lãi suất huy động không dễ tăng trở lại" - ông Hoàng Việt Cường phân tích.
Giảm lợi nhuận để giảm lãi vay
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2021 sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các NH thương mại triển khai thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho DN và người dân.
Bình luận (0)