Tại hội thảo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 được tổ chức ở TP HCM ngày 11-11, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng đang có nghịch lý của giá cả, tiền tệ và lãi suất khi lạm phát ở mức rất thấp nhưng lãi suất giảm không đáng kể và cao hơn nhiều so với lạm phát.
Do ảnh hưởng nợ xấu
Nguyên nhân theo TS Nguyễn Đình Cung, do nợ xấu vẫn còn lớn. Dù nợ xấu đã giảm về dưới 3% nhưng trên thực tế, các khoản nợ này vẫn nằm đâu đó, chưa ra khỏi nền kinh tế cộng thêm tỉ giá đang được kỳ vọng sẽ tăng khi động thái tăng lãi suất USD của Mỹ vẫn đang lơ lửng làm cho lãi suất của Việt Nam không giảm được. Quan trọng hơn, khi Chính phủ huy động vốn nhiều và khả năng chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân là khá rõ.
“Một phần tiền trong hệ thống ngân hàng (NH) chạy ra và ngân sách đang phải lấy tiền từ đây chi tiêu, đã chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân vốn đang bị cạn. Hệ quả là khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân phải vay lãi suất quá cao, làm giảm sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh 90% chi phí vốn của DN đến từ hệ thống NH” - ông Cung nhấn mạnh.
Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần có hội sở tại TP HCM cho rằng rất khó giảm thêm lãi suất. Nhu cầu vốn từ nay đến cuối năm của nền kinh tế, nhất là khu vực DN, sẽ rất cao nên lãi suất càng khó “có cửa” để giảm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi từ đầu năm đến nay lại thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, chênh lệch giữa lãi suất huy động - cho vay đang thu hẹp… càng khó có “động lực” cho ngành NH giảm thêm lãi suất. Liệu có phải do dòng tiền dịch chuyển qua các kênh khác hấp dẫn hơn khiến tốc độ tăng huy động tiền gửi không cao? “Việc dòng tiền chuyển sang các kênh khác cũng tốt cho nền kinh tế bởi tiền từ dân cư chỉ chạy vào NH sẽ khó giúp nền kinh tế phát triển” - vị tổng giám đốc này phân tích.
Khoản vay cũ “đè” doanh nghiệp
Nhìn nhận mức lãi suất cho vay hiện nay có thể chấp nhận được nhưng ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng những khoản nợ vay cũ của các DN đang phải gánh lãi suất cao mới thật sự cần “giải cứu”.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm xuống còn khoảng 8%-10%/năm là phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay nhưng các khoản vay cũ của DN vẫn chưa giảm về mức tương xứng so với mặt bằng lãi suất mới. Vì vậy, cần xem xét giảm các khoản vay cũ.
Tại hội thảo, một số DN cho rằng cần chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp khu vực DN tư nhân tiếp cận được vốn NH công bằng như các DN khác bởi khu vực tư nhân chịu tác động rất mạnh trong hội nhập, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng lại đang loay hoay với bài toán tăng khả năng cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NH Nhà nước, lý giải muốn hỗ trợ khối DN nhỏ và vừa về vốn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, như ngân sách nhà nước dưới dạng các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DN vừa và nhỏ...
Đặc thù ở Việt Nam, nhu cầu vốn của DN trong hội nhập rất lớn nhưng chủ yếu được cung ứng bởi hệ thống NH, trong khi ở các nước, DN có thể huy động vốn dài hạn từ cổ phần, trái phiếu công ty. Ngược lại, việc cân đối vốn vừa phải đáp ứng cho DN phát triển vừa phải bảo đảm an toàn cho hệ thống NH đặt ra những thách thức không nhỏ.
“Bản thân DN nhỏ và vừa cũng cần cải cách, đổi mới trong quá trình quản trị điều hành vì khi vay vốn thì việc chứng minh khả năng trả nợ, dòng tiền và phương án dự án khả thi rất quan trọng” - bà Hồng nói.
Lo cho doanh nghiệp trong nước
Về triển vọng kinh tế 2016, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng số lượng DN thành lập mới gia tăng nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể, phá sản cũng không giảm so với trước. Với các hiệp định thương mại tự do, các DN nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam đầu tư để tận dụng lợi thế, nhất là TPP, trong khi DN trong nước nếu không cải cách mạnh hơn thì cơ hội chỉ dành cho DN nước ngoài.
Bình luận (0)