Ngày 23-12, đến hạn thanh toán tài khoản gửi tiết kiệm online, chị Bích Thanh (ngụ quận 3, TP HCM) truy cập Internet Banking để thao tác tất toán và chọn kỳ hạn gửi mới, chị thấy biểu lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có sự thay đổi tăng ở một số kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn mà chị đang gửi đã tăng từ 3,7%/năm lên 3,9%/năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều NH thương mại đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi mới theo hướng tăng từ giữa tháng 12 tới nay. Như tại NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), biểu lãi suất mới nhất hiện tăng thêm khoảng 0,2 - 0,4 điểm % so với kỳ điều chỉnh trước đó.
Ngoài ra, NH này còn có chương trình ưu đãi lãi suất cho một số đối tượng khách hàng như: khách hàng dưới 50 tuổi gửi dưới 1 tỉ đồng lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng tại Techcombank sẽ được hưởng mức lãi suất 4,1%/năm, thay vì 3,9%/năm như trước; gửi từ 13-35 tháng lãi suất là 4,8%/năm, thay vì mức 4,4%/năm so với trước…
Các ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm. Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc biệt, nhiều NH thương mại quy mô vừa và nhỏ như NH TMCP Phương Đông (OCB), NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), GPBank, ABBANK, VietBank, SCB… đã nâng mức lãi suất tiền gửi lên tới 7%-8%/năm ở một số kỳ hạn dài khi khách hàng gửi tiết kiệm online. Như tại Nam A Bank, khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 16-36 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,4%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi tại quầy không thay đổi nhiều. Đại diện Nam A Bank lý giải do NH vừa khai trương hệ sinh thái NH số Onebank nên tăng lãi suất tiền gửi online để thu hút khách sử dụng dịch vụ mới này.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho hay NH chỉ điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng ở một vài kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng do giai đoạn trước ở mức thấp; còn mặt bằng chung của lãi suất huy động không thay đổi nhiều và chưa phải xu hướng để tạo sức ép lên thị trường.
Trong báo cáo tiền tệ mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI nhận định thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, một số NH thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động với khách hàng cá nhân, còn mặt bằng lãi suất huy động với tổ chức kinh tế không có nhiều biến động.
Mức tăng phổ biến từ 0,1 - 0,3 điểm %, chủ yếu ở các NH thương mại nhỏ nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để bảo đảm hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của NH trong giai đoạn cuối năm. "Lãi suất tiết kiệm tăng chủ yếu chỉ mang tính cục bộ, đặc biệt là trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi giảm sút trước các kênh đầu tư khác" - chuyên gia phân tích của SSI nêu rõ.
Số liệu cập nhật từ NH Nhà nước cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh, từ mức 7,5% vào năm 2020 còn khoảng 4% trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức nền thấp, chỉ dao động 3% - 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7% - 5%/năm đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2% - 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Tiền gửi từ dân cư vào hệ thống NH giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp buộc các NH nhỏ phải điều chỉnh nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng động thái tăng lãi suất huy động những ngày qua chỉ diễn ra ở một số NH và chủ yếu do tính thời vụ cuối năm, không phải xu hướng chung.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển lý giải lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, một phần để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại NH thay vì "chảy" vào các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, bất động sản. Nhưng ở góc nhìn khác cho thấy đã có dấu hiệu lãi suất không còn thấp.
"Người gửi tiền có thể được hưởng lãi suất cao hơn nhưng ở chiều ngược lại, người vay, nhất là các doanh nghiệp, cần tính toán hợp lý chi phí tài chính cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Bởi với hạn mức tăng trưởng tín dụng nhất định, các NH thương mại có xu hướng chọn khách hàng tốt, bảo đảm sức khỏe tài chính để giải ngân vốn" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Về cơ bản sẽ ổn định
TS Cấn Văn Lực nhận định trước mắt lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng nhưng về cơ bản vẫn sẽ ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và NH Nhà nước nhằm ổn định lãi suất cho vay. Thậm chí, các NH còn phấn đấu giảm nhẹ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Vừa qua, NH Nhà nước đã chính thức nới room tín dụng cho 11 NH thương mại trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động lại. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn giãn cách xã hội, góp phần gia tăng nguồn cung tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Bình luận (0)