Nếu lãi suất tiếp tục đứng ở mức hiện tại, cơ chế chính sách không đồng bộ, không có sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp (DN) thì nhiều DN sẽ không trụ được.
Đó là phản ánh của đa số DN tại buổi họp giữa UBND TPHCM, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương với Hiệp hội DN, các DN, ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho DN diễn ra sáng 10-4, tại TPHCM.
Tỉ giá, lãi suất gây khó
Ngoài lãi suất theo quy định 12%/năm, các ngân hàng còn có khoản phụ phí, thu thêm dao động từ 3%- 7%/năm (ngân hàng thương mại cổ phần 3% - 5%, các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước lên đến 7%).
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết sau Tết, giá tăng, tỉ giá tăng, lãi suất tăng, đẩy DN vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Lãi suất ngân hàng lên đến 17% - 20%, đồng nghĩa với việc DN phải đạt lợi nhuận 25% mới chịu nổi mức lãi suất này.
Đó là điều không tưởng đối với nhiều DN trong điều kiện hiện nay. Theo bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, có đến 80% thành viên của hội là DN nhỏ và vừa, đặc biệt khó khăn về vốn và lãi suất.
Ngân hàng Eximbank cho vay với lãi suất tối đa là 15%. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Eximbank. Ảnh: HỒNG THÚY
Mặc dù trên danh nghĩa, lãi suất là thỏa thuận nhưng đáo hạn, không hợp đồng nào có lãi suất 12% mà phải trả thêm cho ngân hàng dưới hình thức khác, tính ra lên đến 18%. Với mức lãi suất này, DN mang tiền cho vay lại còn dễ kiếm lời hơn là đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Bà Chi lo ngại: Với lãi suất thỏa thuận ở mức 14% - 18%, không ít DN ngành lương thực thực phẩm sẽ phải đóng cửa vì không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Sáu tháng nay, DN lương thực thực phẩm chỉ sản xuất cầm chừng, trong khi DN nước ngoài được ưu thế về vốn, có điều kiện giảm chi phí sản xuất, thuế nhập khẩu vào VN thấp theo cam kết WTO nên đã đánh bật hàng VN ngay trên sân nhà.
Sẽ giảm lãi suất
Đa số DN kiến nghị Nhà nước cần phải điều tiết vĩ mô để không gây lạm phát và kiềm chế lãi suất, có chính sách hỗ trợ để DN vay vốn dễ dàng hơn.
Trước bức xúc của DN, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết Chính phủ đang xem xét cho phép Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với những dự án khả thi.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang soạn dự thảo chỉ thị, kế hoạch hành động và phối hợp Bộ Tư pháp hoàn thành thông tư hướng dẫn áp dụng lãi suất thỏa thuận. Thống đốc cũng cho biết thêm theo báo cáo của các ngân hàng, dự kiến mức lãi suất thỏa thuận sắp tới sẽ dao động ở mức 14% - 16% ở đa số ngân hàng.
Chẳng hạn: Ngân hàng NN-PTNT dự kiến cho vay tối đa 14,5%, cho nông dân vay 13,2%, cho vay xuất khẩu 14%; Ngân hàng Công Thương cho vay tối đa 14%, cho vay xuất khẩu 13,5%; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho vay tối đa 14%, cho vay xuất khẩu 13%; Ngân hàng Đông Á cho vay tối đa 15,6%; Eximbank cho vay tối đa 15%...
Nhiều áp lực Hiện trên thị trường nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu như điện, sắt thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng, dầu... tăng bình quân 3% - 10% so với tháng 12-2009. |
Bình luận (0)