Vụ hỏa hoạn làm 13 người chết ở chung cư Carina Palaza (quận 8, TP HCM) vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn PCCC ở các chung cư cũ lẫn mới. Tuy nhiên, các diễn giả tham gia buổi tọa đàm với chủ đề "Sống ở chung cư, làm sao cho an toàn" do Báo Người Lao Động tổ chức đều nhấn mạnh vấn đề về ý thức PCCC của cư dân ở các chung cư.
Ông NGUYỄN KIM LONG, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Căn hộ Nam Long:
Không bố trí giữ xe ở tầng hầm
Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến các vụ hỏa hoạn tại chung cư mà chúng ta không lường trước được. Ví dụ như các vụ chập điện, đốt nhang trong căn hộ, nổ thiết bị điện - điện tử. Tuy nhiên, hầu hết các vụ cháy nổ ở chung cư thường là do chủ quan của người dân. Họ không nhận thức được đầy đủ về an toàn PCCC trong chung cư, như đốt rác, vứt tàn thuốc vào những nơi có thể dễ bắt cháy mà không chú ý. Ngoài ra, một thói quen rất hay xảy ra là việc cư dân nấu nướng trong nhà nhưng không tắt bếp mà bỏ ra ngoài, khóa cửa lại. Khi hỏa hoạn, lực lượng bảo vệ phải tiếp cận, phá cửa để chữa cháy.
Tại chung cư cao cấp Ngọc Khánh (quận 5, TP HCM), trụ bơm nước bị hỏng và nơi đây chưa nghiệm thu PCCC Ảnh: LÊ PHONG
Theo tôi, nhận thức của người dân về PCCC khi sống ở chung cư là quan trọng nhất. Ngoài việc muốn người dân nhận thức rõ hơn về PCCC, chúng ta phải có những buổi huấn luyện hoặc diễn tập. Đồng thời, trang bị thêm những thiết bị cần thiết sau khi đã được cơ quan PCCC phê duyệt. Ví dụ, hệ thống loa tầng, theo tiêu chuẩn PCCC thì không có nhưng khi xây dựng các chung cư, Nam Long đều trang bị thêm để hướng dẫn cho cư dân trong trường hợp cần thoát nạn, thoát hiểm an toàn…, kết hợp hệ thống camera.
Ngoài ra, với tư cách là chủ đầu tư của nhiều khu đô thị, dự án lớn, có kinh nghiệm trong công tác tổ chức và quản lý vận hành chung cư nên khi triển khai phát triển các dự án nhà chung cư, Nam Long thường không bố trí tầng hầm để xe. Việc này có thể hạn chế nguy cơ gây ra cháy nổ vì thông thường luồng không khí ở tầng hầm không được trong lành. Ngoài ra, việc bố trí các thiết bị PCCC ở chung cư không có hầm cũng dễ dàng hơn.
Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG, Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng (Savista):
Ý thức của cư dân còn kém
Với kinh nghiệm trong việc quản lý chung cư, tôi nhận thấy có những khó khăn nhất định. Thông thường, một dự án đủ điều kiện hoạt động phải bảo đảm tính an toàn cao. Nhưng an toàn như thế nào phụ thuộc vào cách quản lý - vận hành sau đầu tư. Thực tế, muốn bảo đảm an toàn thì việc phòng phải đặt lên hàng đầu chứ không phải là chống. Vì vậy, tất cả các bộ phận (bảo vệ, đội vận hành kỹ thuật, tạp vụ… ) rất cần có sự phối hợp của cư dân chung cư. Cần có những buổi diễn tập thường xuyên, định kỳ hằng quý, hằng năm để bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng. Ngoài những bộ phận tác nghiệp tại chỗ, qua quá trình diễn tập, cần có những giải pháp khi sự cố xảy ra nhằm nhanh chóng giảm thiểu tối đa thiệt hại. Khi có sự cố, lực lượng này sẽ hướng dẫn cho cư dân thoát nạn một cách nhanh chóng.
Thời gian qua, khi tổ chức diễn tập ở một số chung cư, chúng tôi nhận thấy người dân không hưởng ứng nhiệt tình. Họ còn bàng quan, xem đó giống như là việc của cơ quan chức năng, cảnh sát PCCC, ban quản lý chứ không phải của mình. Rõ ràng khi sự cố xảy ra ở chung cư Carina vừa qua, người dân chết không phải hoàn toàn vì cháy mà do chưa có cách thoát nạn đúng cách. Ý thức là vấn đề quan trọng, là vấn đề gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Văn hóa chung cư hiện nay rất nan giải dù được nói rất nhiều. Khi cư dân chuyển từ nhà phố, làng xã lên nhà chung cư đã hình thành nếp sống, văn hóa khác hẳn. Ý thức cư dân về không gian chung, hành lang, thang máy… rất kém. Nhiều người chiếm dụng khu vực công cộng làm ảnh hưởng thoát hiểm. Có những thứ cần bảo quản lại cho rằng "cha chung không ai khóc" nên tùy nghi sử dụng… Vì vậy, các trang thiết bị ở chung cư xuống cấp rất nhanh chóng.
Đại tá HUỲNH NGỌC QUAN, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP HCM:
Bình tĩnh khi có sự cố
Hiện nay, các chung cư được xây dựng trước 1975 ở TP HCM có nguy cơ thiếu an toàn về PCCC rất cao. Người dân khi sống ở chung cư này quan trọng nhất là phải tuân thủ tất cả trách nhiệm, nội quy về an toàn PCCC mà ban quản trị đã công bố, niêm yết. Tuy nhiên, không chỉ có các chung cư cũ mà ở đâu cũng vậy, trước tiên, cư dân phải có ý thức tự bảo vệ mình. Ngoài hệ thống PCCC đã có, người dân cần trang bị thêm bình chữa cháy tại chỗ. Mặt nạ chống khói độc, dây cứu hộ cứu nạn. Các cơ quan, ban ngành TP đã xây dựng rất nhiều kỹ năng thông qua sổ tay về hướng dẫn an toàn PCCC. Nhưng về cơ bản, khi xảy ra sự cố, điều đầu tiên cư dân ở chung cư cần phải bình tĩnh và tìm đến đường thoát nạn gần nhất, đó là những lối cầu thang bộ.
Thực tế là trên địa bàn TP hiện có một số dự án, công trình đưa dân vào ở nhưng chưa thực hiện nghiêm công tác nghiệm thu cũng như về việc hoàn công xây dựng công trình. TP đang tiến hành xử lý nghiêm các công trình này. Theo quy định pháp luật, khi thi công hoàn chỉnh dự án, chủ đầu tư phải thông báo cơ quan chức năng để nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, nghiệm thu PCCC xong không có nghĩa là được đưa vào sử dụng, mà phải qua giai đoạn đánh giá điều kiện an toàn trong xây dựng, sau đó các cơ quan cấp phép liên quan như Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng đánh giá chất lượng công trình. Đáng chú ý, có những chủ đầu tư chấp nhận đóng tiền phạt 80 triệu đồng và không tổ chức nghiệm thu vì cho rằng một khi đưa dân vào ở, cơ quan chức năng sẽ khó khăn trong việc xử lý.
Không phân biệt cao cấp hay trung bình
Khi phóng viên đặt vấn đề về chung cư cao cấp liệu có an toàn hơn chung cư phân khúc trung bình, hầu hết các diễn giả đều không đồng tình. Ông Nguyễn Kim Long cho biết khi thực hiện dự án bình dân hay cao cấp, Nam Long luôn thực hiện đầy đủ tất cả những yêu cầu về PCCC. "Chúng tôi trang bị tất cả phương tiện PCCC theo thiết kế kỹ thuật được duyệt. Và chỉ bàn giao nhà cho các chủ sở hữu vào ở khi dự án được nghiệm thu từ Cảnh sát PCCC" - ông Long khẳng định.
Khi đưa dự án vào sử dụng, Nam Long luôn tuân thủ các quy định về kiểm tra những phương tiện, thiết bị PCCC để phát hiện các phương tiện có sự cố, hư hỏng không hoạt động nhằm bảo đảm hệ thống đó phải luôn bình thường, ổn định trong quá trình sử dụng. Trong giai đoạn sử dụng căn hộ, chủ đầu tư và ban quản lý, cũng như tổ PCCC cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện nghiệp vụ, diễn tập PCCC cứu hộ - cứu nạn. Tuy nhiên, những buổi huấn luyện này thực tế chưa được người dân quan tâm một cách đầy đủ. "Mong rằng ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư trang bị đầy đủ các hệ thống PCCC bảo đảm an toàn, các cư dân cần hiểu rõ và nhận thức về tầm quan trọng của an toàn PCCC để cùng với chúng tôi bảo đảm việc sống an toàn, ổn định trong chung cư" - phó tổng giám đốc của Nam Long chia sẻ.
Đồng quan điểm này, đại tá Huỳnh Ngọc Quan cho biết trong công tác PCCC, đặt biệt ở giai đoạn thẩm duyệt thiết kế hồ sơ đối với dự án công trình nhà chung cư, cơ quan chức năng không hề có sự phân biệt chung cư cao cấp, chung cư trung bình hay nhà ở xã hội. Tất cả những chung cư, dự án công trình khi thẩm duyệt đều phải tuân thủ các quy định, yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC. "Không phải chung cư nhà ở xã hội rẻ hơn thì hạ thấp quy chuẩn so với căn hộ cao cấp. Điều này không bao giờ xảy ra nên người mua nhà hay cư dân đang sinh sống trong chung cư hãy an tâm" - đại tá Quan khẳng định.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, vận hành chung cư, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng không phải chung cư cao cấp là an toàn hơn vì để một công trình đi vào hoạt động với mục đích ở hay làm việc thì cũng bảo đảm đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản nhất được quy định ngặt nghèo, đặc biệt là liên quan đến an toàn, trong đó có PCCC. Nếu làm tốt từ khâu thiết kế, phê duyệt, thẩm định cho đến nghiệm thu sử dụng thì tính an toàn đều bảo đảm chứ không chỉ là chung cư cao cấp.
P.ĐÌNH
Bình luận (0)