Một bao hàng si khi mới lấy về, người bán không vội ra hàng ngay mà phải ém để phân loại, “tút” lại từng món. Theo chân chị Tuyết - người có shop chuyên bán đồ “sida” ở chợ Bàn Cờ, quận 3, TP HCM - chúng tôi mới thấy hết công việc phân loại đồ để bán không mắc quá mà cũng chẳng hớ hàng rất đỗi công phu.
“Mông má” thành hàng hiệu
Xổ bao hàng với hàng trăm chiếc áo thun, chị Tuyết cho biết nếu không phải là người trong nghề thì không thể nhận biết được cái nào hàng xịn, cái nào hàng bèo. Bàn tay chị thoăn thoắt xáo tung từng cái áo rồi ném ra thành đống cho người phụ việc xếp lại. Với tay lấy một chiếc áo thun đính hiệu con cá sấu, chị Tuyết cho biết hàng này thường dệt bằng thun lỗ cotton 100%, mặc rất mát và đường may chuẩn.
Nhìn chiếc áo hơi cũ, tôi có vẻ ái ngại nhưng chị Tuyết bảo không hề gì, ngay cả những vết ố, sờn đều có công nghệ “tút” lại hết. Theo chị Tuyết, cả bao đồ chọn may lắm thì được một vài món là đáng để “lên đời” hay phối với các đồ khác tạo thành một bộ hoàn chỉnh treo bán riêng; số còn lại sẽ được phân theo kiểu nước 1, nước hai hay đổ đống bán xôn.
Chủ 1 shop bán đồ “sida” ở khu vực đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM cho biết cách thức “lên đời” cho đồ si thành hàng hiệu cũng không quá phức tạp. Sau khi chọn được món đồ có thương hiệu, người bán nhanh tay cất riêng rồi chuyển chúng cho một cơ sở chuyên “tút” lại.
Theo đó, nếu là áo thì phải “tút” phần cổ áo và ống tay vì đây là những khu vực dễ sờn, đóng bẩn, nhìn vào là nhận ra ngay. Muốn áo cũ thành mới, ngoài giặt tẩy, cơ sở còn xịt keo trắng làm mờ vết ố bẩn trước khi ủi. Công đoạn cuối là gắn mác lên và thế là có ngay một sản phẩm mới đến 90%, đưa lên kệ bán giá hàng trăm ngàn đồng/chiếc.
Mặt hàng giày dép túi xách là dễ “mông má” hơn cả. Theo chị Tuyền, một chủ sạp chuyên bán giày dép cũ, không chỉ hàng “sida” mà cứ giày dép cũ thấy còn dùng được mà bán rẻ là chị mua ngay. Phần lớn giày dép đã qua sử dụng thường mòn đế, sút gót, hở keo, nhìn rất xấu. Vì thế, mớ hàng mới nhận về đều phải có thợ sửa giày làm các công việc dán đế, may quai, chà gót, đánh xi trước khi đem ra bày bán.
Tận tình tư vấn
Để có được hàng xịn đôi khi chỉ là sự may rủi nên những chủ cửa hàng đồ si chọn cách nâng tầm cho hàng cũ bằng cách phối chúng lại với nhau sao cho thật bắt mắt. Nhiều chiếc áo, chiếc quần nếu để riêng thì rất tầm thường nhưng chỉ cần phối với nhau bỗng chốc trở thành bộ cánh hợp mốt, cá tính. Điều này đòi hỏi người bán phải có óc thẩm mỹ và cả kinh nghiệm buôn bán để nắm được gu của khách hàng
“Nếu khách đi ngang thấy bộ đồ dù là hàng cũ nhưng hợp nhãn thì họ bước vào, lúc đó kiểu gì chủ tiệm cũng bán được một mớ kha khá” - chủ một sạp bán đồ “sida” ở chợ Hoàng Hoa Thám nói.
Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng có đủ điều kiện để treo đồ lên nên nhiều nơi cũng đành đổ đống cho khách tự lựa. Nhưng không phải như vậy mà các chủ tiệm để khách hàng tự bơi trong đống đồ bèo nhèo.
Trước khi xổ hàng ra bán, họ đều xem qua trước từng loại rồi lưu ý màu sắc, kiểu dáng để tư vấn cho khách. Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bà Nga, người có sạp bán đồ “sida” lâu năm ở chợ Bàn Cờ, được nhiều mối ruột nhờ cách buôn bán này. Khách đến đây hầu hết luôn hài lòng bởi bà khen chê rõ ràng. Thấy bộ nào không hợp, bà góp ý thẳng và tự tay lựa một bộ khác cho khách xem.
Để đỡ mất công kì kèo về giá cả, chủ shop cũng luôn định sẵn giá cho từng món đồ nên sau khi khách chọn hàng xong, người bán nhấc tay đếm từng cái và răm rắp đọc giá, miễn trả tới trả lui.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-8
Kỳ cuối: Những tín đồ hàng si
Phục vụ tận răng
Cửa hàng bán đồ “sida” nào cũng có trong tay một danh sách dài những khách ruột. Mỗi khi hàng về, khách ruột thường được báo tin qua điện thoại để là những người đầu tiên chọn hàng. Chị Linh, chủ một shop bán đồ “sida” ở chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, cho biết lựa đồ si rất mất thời gian và tốn sức nên lúc nào trong tiệm cũng để sẵn một bình trà đá để khách hàng giải khát. Ngoài ra, khách quen còn được chị nắm rõ chi tiết như size áo của chồng, nhà có mấy con trai hay gái ưa màu gì, loại gì.
Ngồi xem chị bán hàng một buổi, chúng tôi phải khâm phục trí nhớ của chị. Chỉ có khách vãng lai là chị không biết gì để tư vấn, còn những khách quen khi bước chân vào là chị đã chỉ họ bước đến chỗ nào để loại đồ gì rồi cứ thế mà chọn. Có những khách hàng vì bận công việc nên để cả số đo lại và nói rõ món đồ mình cần thế là chủ shop cứ việc chọn để riêng.
Tại các tiệm bán đồ si, người chủ còn cẩn thận đặt luôn một bàn máy may để phục vụ khi khách cần. Theo chị Khánh, chủ shop ở đường Lê Quang Định, các loại đầm và áo sơ mi thường có các size lớn hơn size người Việt Nam nên lên lai hay chít hông là nhu cầu thường xuyên.
Ngoài những chiêu o bế trên, các chủ tiệm đồ si còn chủ động giảm giá dưới mọi hình thức để hút khách. Một shop tại đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh rao rõ khách mua 5 món hàng trở lên là được miễn phí chuyển đồ đến tận nhà; mua 5 đến 10 món sẽ được giảm 10%...
Bình luận (0)