Một ngày sau khi thông tin về 189 cá nhân/pháp nhân người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama (Panama Papers) được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 9-5, các cơ quan chức năng Việt Nam đã sớm bắt tay vào việc điều tra, làm rõ thông tin.
Lật lại hồ sơ thuế
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 11-5, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã nhận được báo cáo của Tổng cục Thuế về việc lập tổ công tác điều tra tổ chức, cá nhân bị nêu tên trong hồ sơ Panama.
Văn phòng Công ty Luật Mossack Fonseca tại Panama, nơi lập 113.648 công ty offshore bị bố ráp hôm 12-4. Ảnh: REUTERS
Không tiết lộ nội dung báo cáo nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết quan điểm của bộ về vấn đề này như sau: “Đây là thông tin rất quan trọng. Thông tin được công bố đêm 9-5 thì ngay sáng 10-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chứ không riêng gì ngành thuế phải thực hiện trách nhiệm của mình về việc làm rõ thông tin này. Trong quá trình đó phải bảo đảm 2 vấn đề: Thứ nhất, đấu tranh chống hành vi vi phạm, bảo đảm được tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân; thứ hai, bảo vệ được môi trường kinh doanh, không ảnh hưởng đến người làm ăn tốt”.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng còn quá sớm và phải thận trọng để đưa ra những bình luận, đánh giá về khả năng các tổ chức, cá nhân bị nêu tên có vi phạm pháp luật về thuế hay không. Với những thông tin trong hồ sơ Panama cung cấp, ngành thuế phải lật lại hồ sơ khai thuế cũng như toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp. Từ đó khớp nối lại, xem xét các mối quan hệ với ngân hàng (NH), giấy phép đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài có phát hiện dấu hiệu bất thường mới điều tra.
Cũng trong ngày 11-5, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - NH Nhà nước (NHNN), cho biết các cơ quan chức năng, gồm Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đã chính thức đề nghị phối hợp cùng tham gia điều tra các thông tin trong hồ sơ Panama.
“Cục Phòng chống rửa tiền nhận được chỉ đạo của Thống đốc NHNN ngay từ ngày 10-5 và đã triển khai ngay bằng cách rà soát cá nhân, tổ chức được nêu tên, đối chiếu với hệ thống dữ liệu của cục. Khối lượng công việc sẽ rất lớn vì thông tin từ hồ sơ Panama rất ít, chỉ có tên, địa chỉ mà tên của cá nhân được nêu có thể trùng với rất nhiều người, địa chỉ lại không rõ ràng” - ông Ngọc nói.
Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài dễ hay khó?
Một chuyên gia tài chính - NH cho biết trước đây, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính quốc tế chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (FATF) xếp Việt Nam vào danh sách đen do cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam chưa hoàn thiện. Đến năm 2012, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền; năm 2013 tiếp tục ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn và được FATF đánh giá khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã đáp ứng được chuẩn mực quốc tế nên đưa ra khỏi danh sách đen từ tháng 10-2013.
Có 2 cách để cá nhân, tổ chức chuyển tiền ra khỏi Việt Nam là thông qua hệ thống NH và vận chuyển tiền mặt. Để chuyển tiền qua hệ thống NH phải thực hiện theo Pháp lệnh Ngoại hối với những quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, NHNN đã có thông tư hướng dẫn các NH thương mại phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, rà soát các yếu tố pháp lý của chứng từ để làm cơ sở chuyển tiền. Nếu vận chuyển tiền mặt hoặc dưới dạng các vật dụng có giá trị, trách nhiệm giám sát thuộc Tổng cục Hải quan. Trường hợp người xuất cảnh đem theo ngoại tệ từ 100.000 USD trở lên, cơ quan hải quan sẽ thông báo cho Cục Phòng chống rửa tiền.
Hơn 27 tỉ USD đã đầu tư vào Việt Nam
Theo hồ sơ Panama, British Virgin Islands (BVI, một quốc đảo ở vùng Caribe) đang dẫn đầu danh sách các “thiên đường thuế” (Tax Havens) với 113.648 công ty offshore (công ty được thành lập ở nước ngoài) do Công ty Luật Mossack Fonseca gây dựng. Các tập đoàn xuyên quốc gia thành lập công ty tại BVI, sau đó đầu tư sang các nước khác nhằm tối ưu hóa chi phí vì BVI bãi bỏ hầu hết các loại thuế.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến năm 2015, các công ty BVI đã đầu tư 19,3 tỉ USD vào Việt Nam, đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thu hút vốn đầu tư từ một số “thiên đường thuế” khác như Cayman Islands (khoảng 6,3 tỉ USD), Luxembourg (khoảng 1,9 tỉ USD), New Zealand (96 triệu USD).
Bình luận (0)