Mới đây, Công ty Thuận Phong - có nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu tại tỉnh Bến Tre - đã ký hợp đồng bao tiêu đến 40-50 năm với 185 nhà vườn trồng xoài cát chu ở địa phương trên diện tích 51 ha. Công ty này sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cố định 12.000-15.000 đồng/kg (xoài sạch - không sử dụng thuốc trừ sâu). Đây là tín hiệu vui cho nông dân nhưng Thuận Phong cũng chỉ là số ít doanh nghiệp (DN) dám bao tiêu nông sản cho người trồng.
Thương lái Trung Quốc thao túng
Ông Võ Văn Theo - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - cho biết: “Dù là địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL với 9.000-10.000 ha 2 vụ nhưng nhiều năm qua, chưa có DN nào đến đây bao tiêu sản phẩm. Khoai lang ở đây chủ yếu là khoai tím Nhật nhưng hầu hết bán cho thương lái Trung Quốc”.
Ông Ngô Văn Tua - một nông dân trồng khoai lang tại xã Thành Đông, huyện Bình Tân - bộc bạch: “Với giá khoai hiện khoảng 520.000-530.000 đồng/tạ (60 kg), nông dân lời 4-5 triệu đồng/công. Khoai đang có giá là nhờ thương lái Trung Quốc “ăn” hàng. Trước Tết Bính Thân, giá khoai thấp thê thảm, chỉ 50.000-180.000 đồng/tạ khiến nhiều nông dân ở đây lỗ nặng”.
Anh Huỳnh Văn Thanh (xã Tân Thành, huyện Bình Tân), một trong những người trồng khoai lang thua lỗ trong vụ mới đây, than thở: “Lúc đó, nếu để khoai to thì thương lái Trung Quốc không mua, còn nếu dỡ khoai sớm thì năng suất thấp, đường nào người trồng cũng lỗ. Chi phí trồng khoai trung bình 13 triệu đồng/công nếu đất của gia đình, còn đất thuê thì 18-19 triệu đồng nhưng lúc đó chỉ bán được 9 triệu đồng/công. Như vậy, nông dân lấy gì mà sống, rồi còn phải trả nợ ngân hàng?”.
Nhiều nông dân thắc mắc khoai lang Bình Tân đã có thương hiệu nhưng không hiểu sao không có DN nào đến đầu tư, bao tiêu. Trước đây, nhiều DN ở TP HCM đã đến vùng nguyên liệu này đặt mua khoai để xuất khẩu nhưng yêu cầu củ phải nặng từ 120 g trở lên. Nông dân không thể đáp ứng yêu cầu này do không được hỗ trợ kỹ thuật. Trong khi đó, thương lái Trung Quốc không yêu cầu cao nên nhiều nông dân cứ theo cách trồng truyền thống.
Để không phải lo giá cả thất thường, đầu năm nay, ông Ngô Văn Tua đại diện cho nông dân địa phương lên TP HCM gặp đoàn DN Nhật đang đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư trồng khoai lang. “Tôi đề nghị phía Nhật xây dựng nhà máy chế biến khoai lang tại Vĩnh Long, đồng thời đầu tư kỹ thuật trồng trọt và bao tiêu sản phẩm để khoai có chất lượng và đầu ra ổn định nhưng đến nay, họ vẫn chưa trả lời” - ông thất vọng.
Le lói vài điển hình
Ông Nguyễn Thành Nhơn - Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tiêu thụ nông sản - cho biết nhờ có thương hiệu từ lâu nên xoài cát Hòa Lộc được nhiều đối tác tìm đến. Tuy nhiên, để ký được hợp đồng bao tiêu là việc không đơn giản. HTX thành lập năm 2002 nhưng lúc đó, xoài cát Hòa Lộc không được DN nào bao tiêu do sản phẩm không bảo đảm sạch. Lận đận đến năm 2012, HTX chuyển sang trồng 21 ha xoài theo tiêu chuẩn VietGAP rồi sau đó áp dụng thêm tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nhờ sản phẩm được chứng nhận sạch, mỗi năm, HTX Xoài cát Hòa Lộc xuất khoảng 50 tấn xoài sang Nhật thông qua một DN bao tiêu tại TP HCM. “Để không bị ảnh hưởng uy tín, những khi không đủ hàng, HTX vẫn không lấy xoài bên ngoài đưa vào. Nhờ vậy, quan hệ bao tiêu mới bền chặt” - ông Nhơn đúc kết.
Trong khi đó, thấy nhiều người dân quê mình trồng ớt nhưng thu nhập bấp bênh, năm 2014, anh Từ Ngọc Ngà (ngụ xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) thành lập HTX Thành Công để tiêu thụ ớt. Thời gian đầu, HTX chật vật gõ cửa nhiều DN ở ĐBSCL và TP HCM nhưng không ai đồng ý bao tiêu do sản phẩm không đồng đều về chất lượng, hình thức. Sau đó, HTX chủ động cung cấp giống, vật tư cho nông dân trồng ớt. Nhờ cách làm này, HTX đã được 4 DN tại TP HCM bao tiêu, xuất ớt sang Hàn Quốc và Singapore.
“HTX có 20 xã viên trồng hơn 200 ha. Chi phí 1 công trồng ớt khoảng 15 triệu đồng, năng suất đạt 2,5 tấn. Với giá sàn bao tiêu 11.000 đồng/kg, xã viên lãi trên 12 triệu đồng/công” - anh Ngà cho biết. Năm 2015, doanh thu của HTX trên 30 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Anh Ngà dự định tiếp tục mở rộng thêm 100 ha trồng ớt.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - ĐH Cần Thơ, nhìn nhận nông sản ĐBSCL khi vào đợt thu hoạch nếu trúng mùa là rớt giá. Ngoài cung cầu, giá rớt còn do bị thương lái thao túng.
“Để giải quyết đầu ra cho nông dân, nhà nước cần hình thành liên kết chuỗi. Bên cạnh đó, người sản xuất nhỏ lẻ như nông dân phải ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần có cơ chế tín dụng giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật. Nếu nông dân có sản phẩm tốt theo 4 đúng (chất lượng đồng nhất, lượng đủ khi ký hợp đồng với DN, sản xuất theo nhu cầu thị trường cần và hạ giá thành sản xuất), DN sẽ tìm đến bao tiêu. Ngoài ra, cần chính sách hợp lý về ruộng đất để hình thành trang trại quy mô lớn…” - ông Sánh đề xuất.
Bình luận (0)