xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làn gió lạc quan từ CPTPP

Phương Nhung

Sau khi chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển lao động từ ngành chưa hiệu quả sang ngành có hiệu quả cao hơn

Chiều 9-3, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - ông Lương Hoàng Thái - đã có cuộc trao đổi với báo chí nhân sự kiện chính thức ký kết Hiệp định CPTPP.

Hưởng lợi từ thuế và phi thuế quan

Ông Thái cho biết lợi ích từ việc các nước trong CPTPP mở cửa cho Việt Nam nằm ở chỗ gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Trong đó, đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường khoảng 7 năm; còn các nước đang phát triển thì lộ trình sẽ dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả mặt hàng. "Hiện nay, mức thuế trung bình khi ta xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%, nếu thuế xuống 0% thì sẽ có những lợi ích trực tiếp" - ông Thái nhìn nhận.

Ngoài ra, CPTPP còn đem lại những lợi ích phi thuế quan khác. Phân tích cụ thể, ông Thái cho rằng khi các nước có hiệp định thương mại tự do với nhau tức chấp nhận luật chơi chung, có chất lượng quản lý, thương mại… thì có sự tin tưởng nhau hơn, từ đó rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều. Đơn cử, thời gian trung bình để một nước công nhận một mặt hàng tuân thủ quy định trong hiệp định thương mại giảm 3 lần so với nước không có quan hệ đối tác hiệp định thương mại.

Ngoài lĩnh vực hàng hóa, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái cũng cho hay nhiều lĩnh vực khác chúng ta cũng có cơ hội lớn, như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công về hàng hóa và dịch vụ.

Theo Bộ Công Thương, CPTPP còn giúp Việt Nam hưởng lợi trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Cụ thể, thay cho việc các nước dựng hàng rào để đối phó với xu hướng hàng hóa ồ ạt vào nước mình thì 11 nước CPTPP quyết định có phản ứng tích cực theo hướng tập hợp nhau lại thành một tập hợp có tiếng nói chung.

Làn gió lạc quan từ CPTPP - Ảnh 1.

Việc xuất khẩu trái cây tươi sang các nước thành viên CPTPP sẽ thuận lợi hơn Ảnh: NGỌC ÁNH

Ngành chăn nuôi phải cạnh tranh quyết liệt

"Một góc độ quan trọng khác là khẳng định chủ trương của Việt Nam về cải cách để hội nhập. Qua đó, ta có định vị về cách thức cải cách trong tương lai theo hướng dễ tiên liệu và phù hợp tiêu chuẩn đã được các nước thành công trong quá khứ áp dụng. Đây là lợi ích gián tiếp" - ông Thái cho biết thêm.

Ông Thái cũng nhận định lợi ích không chia đều cho các lĩnh vực. Với Việt Nam, trong đàm phán, chúng ta tập trung vào mặt hàng liên quan đời sống của đại bộ phận nhân dân như thủy sản, hải sản, hay một số lĩnh vực có nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm…

Ở chiều ngược lại, CPTPP khiến chúng ta phải đối đầu cạnh tranh ở mức cao hơn. Lĩnh vực dự kiến có cạnh tranh lớn là ngành chăn nuôi, đặc biệt thịt gà, thịt heo, cùng nhiều ngành khác. Theo lộ trình, thuế các mặt hàng sẽ giảm còn 0%-5% và Việt Nam đã có sự tập dượt qua mối quan hệ với các FTA khác.

Về sự chuẩn bị của doanh nghiệp (DN), Vụ trưởng Thái khẳng định tuy đã có sự chuẩn bị song việc chuẩn bị của DN như thế nào thì không có câu trả lời chung mà trong từng ngành, từng lĩnh vực có diễn biến khác nhau.

Dù vậy, ông Thái cũng tỏ ra tự tin khi nêu và phân tích một vài dẫn chứng. Chẳng hạn, khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN với Úc và New Zealand, nhiều ý kiến cảnh báo ta không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này, bởi chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Nhưng thực tế, ngành sữa lại phát triển mạnh hơn. "Tất nhiên, có những ngành vẫn không cạnh tranh được. Nếu không cạnh tranh được thì từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất. CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để DN chuẩn bị. Ta sẽ có sự dịch chuyển lao động từ ngành chưa hiệu quả sang ngành có hiệu quả cao hơn. Đây là luận điểm quan trọng để ta có điều kiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi hơn" - đại diện Bộ Công Thương phân tích. 

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương:

Đoạn tuyệt kiểu làm ăn cũ

Tôi hy vọng CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Tình hình chung là nhiều DN đã bị hụt hẫng khi TPP "phá sản" nên chưa tìm hiểu đầy đủ và sẵn sàng để tận dụng lợi thế từ hiệp định mới CPTPP. Cũng cần nhắc lại là trước CPTPP, nhiều hiệp định thương mại khác đã được ký kết và thực thi nhưng mức độ hiểu biết, áp dụng các quy định chung của cộng đồng DN Việt còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có một bộ phận DN vẫn duy trì kiểu làm ăn dựa trên mối quan hệ, kiếm lợi dễ dàng từ các mối quan hệ nên không có động lực đầu tư làm ăn nghiêm túc thông qua kế hoạch đầu tư dài hơi, ứng dụng khoa học công nghiệp hiện đại vào sản xuất - kinh doanh. Một thực tế là kinh tế hộ gia đình đang đóng góp 33% GDP, sử dụng 47% lao động nhưng không áp dụng khoa học - công nghệ, quản trị hiện đại, không cạnh tranh quốc tế được. Như vậy, những hộ kinh doanh này sẽ cạnh tranh như thế nào trong CPTPP. Không ít hộ kinh doanh cá thể đang sử dụng cả trăm lao động, doanh thu trăm tỉ đồng nhưng bằng cách này hay cách khác không chịu chuyển đổi lên mô hình DN. Chừng nào các cơ quan chức năng, cán bộ nhà nước còn tiếp tay, chưa quyết liệt chặn đứng những "cách này cách khác" thì các hộ kinh tế tư nhân còn duy trì cách làm ăn cũ, không có động lực chuyển hướng đầu tư kinh doanh theo các cam kết hội nhập.

Ông PHẠM HỒNG HẢI, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:

Cùng khách hàng khai thác cơ hội

Tôi đánh giá cao sự kiên định của các thành viên hiệp định CPTPP trong việc tiếp tục đối thoại để đạt được những thỏa thuận cần thiết tiến tới ký kết hiệp định, khi đối tác lớn là Mỹ rút lui khỏi TPP vào tháng 1-2017.

Là một ngân hàng toàn cầu, HSBC tiếp cận tới 90% dòng thương mại toàn cầu, xử lý hơn 1 triệu USD doanh thu thương mại mỗi phút, chúng tôi chào đón những cơ hội đến cùng với CPTPP. Với việc có mặt tại 9 trong số 11 quốc gia thành viên của CPTPP và tại 5 quốc gia đang ngỏ ý tham gia CPTPP, HSBC sẽ đồng hành cùng khách hàng tại Việt Nam, hỗ trợ họ kết nối với các đối tác tiềm năng tại các thị trường thành viên hiệp định.

Ông NGUYỄN CHIẾN THẮNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific:

Ngành gỗ dễ tiếp nhận công nghệ cao

Lâu nay, DN gỗ không bị áp lực về thuế suất xuất - nhập khẩu, kể cả nước nhập khẩu. Ngành gỗ đã ký kết với các tổ chức nước ngoài về việc sử dụng nguồn gỗ hợp pháp từ rừng trồng nên việc xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam luôn được minh bạch và được các nước nhập khẩu tín nhiệm cao. Do đó, DN sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu không hưởng lợi trực tiếp nhiều từ CPTPP. Tuy nhiên, việc hiệp định này được ký kết sẽ giúp ngành gỗ phát triển mạnh hơn nhờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành gỗ sẽ nhiều hơn. Nhờ đó, DN được tiếp nhận những mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới cùng thiết bị và công nghệ hiện đại. Ngoài ra, khách hàng mới từ các nước tìm đến cũng sẽ nhiều hơn.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM):

Quả tươi sẽ dễ xuất ngoại

Đối với xuất khẩu trái cây tươi, vấn đề thuế suất không quan trọng vì trước giờ những mặt hàng này có mức thuế thấp, thậm chí đã về 0%. Tuy nhiên, cái lợi khi tham gia CPTPP là thời gian đàm phán mở cửa một loại quả sẽ được rút ngắn như công bố là 1-2 năm thay vì 5-7 năm như trước. Thời gian qua, để một loại trái cây có "visa" xuất khẩu sang các thị trường như Nhật, Úc, New Zealand, Chile…, Việt Nam phải đàm phán từng thị trường. Khi ký kết CPTPP, 11 nước trở thành một khối thì trong nội khối sẽ có những chính sách ưu tiên, khi một nước thành viên đã kiểm tra, chấp nhận một loại quả tươi của Việt Nam thì các nước thành viên có thể thừa nhận để rút ngắn thời gian cấp phép. Thời gian qua, xuất khẩu rau quả (hơn 75% là quả) tăng trưởng trên 40% nhờ các nước liên tiếp mở cửa cho trái cây Việt Nam. Vì thế, việc ký kết CPTPP sẽ giúp cho xuất khẩu trái cây tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.

N.Ánh - T.Nhân - N.Hải - T.Phương

Bước tiến của thương mại toàn cầu

Trang Bloomberg nhận định sự ra đời của phiên bảnTPP-11 phát đi thông điệp rõ ràng và đáng hoan nghênh: Sự hậu thuẫn của Mỹ không còn quá quan trọng đối với thương mại tự do hoặc các hiệp định thương mại đa phương. Trong khi đó, tờ The Straits Times nhận định việc ký kết CPTPP chứng tỏ cam kết của 11 nước thành viên trong việc giảm rào cản thương mại khắp khu vực giữa lúc chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu quay trở lại.

CPTPP sẽ có hiệu lực sau khi được ít nhất 6/11 nước thành viên phê chuẩn, một quá trình có thể mất đến 1 năm. Dù vậy, theo tờ Financial Times (Anh), các lãnh đạo của 11 nước thành viên hiệp định này đang tích cực tìm kiếm thành viên mới, với những cái tên Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka, Anh được xem là bổ sung tiềm năng nhất.

P.VÕ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo