Cuộc vận động "Doanh nghiệp (DN), doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" do Ban Kinh tế trung ương phát động từ tháng 9-2019 đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân cả nước, đặc biệt là TP HCM.
Khổ vì bị quấy nhiễu
Câu chuyện một DN uy tín trong ngành bánh kẹo tại TP HCM liên tục bị các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của TP HCM lẫn trung ương "hỏi thăm sức khỏe" ngay trong mùa cao điểm sản xuất bánh trung thu vừa rồi vẫn đang được các DN bàn luận. Bởi từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị mỗi năm chỉ kiểm tra DN 1 lần nhưng thực tế tại DN này, trong vòng 1 tuần đã được 2 cơ quan chức năng của TP HCM đến kiểm tra; trước đó là một đoàn kiểm tra của bộ. Điều đặc biệt gây bức xúc là biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra trước không được đoàn sau xem xét, thừa nhận và cán bộ kiểm tra sau khi không tìm được sai phạm gì về điều kiện an toàn thực phẩm đã cố tình "vạch lá tìm sâu".
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp Việt luôn tâm huyết được đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các doanh nghiệp tại hội nghị về kinh tế hợp tác xã diễn ra vào tháng 9-2019 ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Từ bức xúc này và những câu chuyện tương tự hằng ngày, khi tiếp nhận cuộc vận động "DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" do Ban Kinh tế trung ương phát động lẫn TP HCM kêu gọi hiến kế xây dựng TP, nhiều DN đã nói thẳng là cần được thấy cải cách hành chính nhiều hơn, hiệu quả hơn - nhất là sự thay đổi từ chính những người thực thi chính sách để tháo gỡ nhiều hơn những rào cản gây trở ngại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhà nước cần tính toán hỗ trợ DN phát triển, không để một bộ phận công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm phiền, gây trở ngại cho DN và chứng minh cho DN thấy những kiến nghị, góp ý của DN từ trước đến nay đã được tiếp thu, sửa đổi. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group - đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo TP HCM cũng như Chính phủ rằng cộng đồng DN cần có môi trường cạnh tranh bình đẳng, cơ chế chính sách đồng bộ, vận hành nhịp nhàng, đồng thời có chế tài, xử lý nghiêm những bộ phận, cá nhân cố tình gây khó khăn, ách tắc. Nguyện vọng lớn nhất của các doanh nhân, DN là được nhà nước và chính quyền các cấp lắng nghe, ghi nhận và sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp mà họ kiến nghị để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng luật pháp Việt Nam.
Cần lắng nghe, rất cần sửa đổi
Tại TP HCM, lãnh đạo TP không chỉ nhìn nhận DN đóng vai trò quan trọng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP mà còn mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của DN để xây dựng TP sáng tạo, đi đầu.
Ngay sau khi Ban Kinh tế trung ương phát động cuộc vận động và Thành ủy TP HCM kêu gọi người dân hiến kế phát triển TP, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đã vận động DN hội viên tích cực tham gia. Theo HUBA, mục đích của cuộc vận động nhằm phát huy tinh thần dân chủ, thực chất, có chiều sâu của cộng đồng DN nhằm xây dựng và phát triển TP cũng như khơi dậy và phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của cộng đồng DN góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển TP và đất nước về mọi mặt. HUBA đã nhận được một số góp ý tâm huyết của DN về giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế TP nhanh, bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; phát triển hệ thống DN, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là hiến kế cho giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Trên phạm vi cả nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đang kêu gọi cộng đồng DN tích cực tham gia hiến kế bởi chính sự trải nghiệm của DN sẽ mang đến những đề xuất, kiến nghị hiệu quả về cơ chế, chính sách. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, không ai hiểu thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bằng DN. Do đó, việc góp ý, hiến kế của DN cần được đón nhận. Khi đã nghe, đã hiểu, điều quan trọng là cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung cho kịp thời. VCCI sẽ tập hợp kiến nghị trên cả nước để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc chính sách theo hướng minh bạch, nhất quán.
Còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, khu vực DN đang đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP, với 560.417 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong số hơn 500.000 DN, hơn 90% là DN nhỏ và vừa, quy mô còn manh mún, đang gặp nhiều bất lợi trong nền kinh tế mở hiện nay. DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Tạo không gian cho DN hiến kế
Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN vừa và nhỏ (thuộc HUBA), cho biết không ít DN có sáng kiến hay nhưng gặp khó khăn trong việc tổng hợp, trình bày thành bài viết theo yêu cầu của cuộc vận động. Vì vậy, trong chương trình "Cà phê doanh nhân" lần thứ 48 được tổ chức hôm nay, 16-11, với chủ đề "DN, doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế TP HCM và đất nước", ban tổ chức sẽ tạo không gian, dẫn dắt DN nói ra những vướng mắc, kiến nghị lẫn sáng kiến. Trên cơ sở đó, HUBA sẽ tổng hợp tổng hợp, báo cáo UBND TP HCM và đề xuất chọn các đơn vị, cá nhân có nội dung hiến kế nổi bật để gặp gỡ làm việc trực tiếp với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (dự kiến vào ngày 15-2-2020).
Tính đến ngày 15-11, đã có hơn 100 DN đăng ký tham gia chương trình.
Bình luận (0)