Dốc sức xây dựng lực lượng doanh nghiệp (DN) dân tộc vào thời điểm cộng đồng DN VN cơ bản vượt qua những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế là động thái phù hợp, bởi từ đà chạy sẵn có, chúng ta dễ lớn nhanh hơn.
Để có được DN dân tộc, VN cần phát huy các lĩnh vực thế mạnh. Theo tôi, nông nghiệp - nông sản là ưu thế sẵn có của VN, chọn lĩnh vực này để hướng tới xây dựng DN dân tộc là hợp lý.
Khác biệt dễ thành công
Trở thành một DN dân tộc, đó là khao khát của Vinamit hàng chục năm nay. Tính “dân tộc” thể hiện rất rõ trong cách làm của chúng tôi. Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã chọn nông sản Việt làm chìa khóa phát triển. Từ nguyên liệu thô, qua Vinamit, chuỗi giá trị của mít, chuối, dứa, đậu, khoai... được nâng lên hẳn và người trồng trọt cũng được lợi.
Giờ đây, nhiều sản phẩm của Vinamit đã có mặt khắp thế giới, nhất là những nơi có đông người Việt và cư dân châu Á sinh sống. Khát vọng của Vinamit đã thành hiện thực khi nông sản Việt được biết đến nhiều hơn, giá trị tăng cao hơn và thương hiệu bay xa hơn.
Tôi nghĩ một DN gọi là DN dân tộc của VN phải được biết gắn liền với các yếu tố thuần Việt. Chọn các yếu tố thuần Việt để cạnh tranh, đó chính là thế mạnh và sức mạnh. Vinamit đã từng có kinh nghiệm về điều này. Đó là câu chuyện về trái chuối sứ.
Trong lúc thị trường nông sản thế giới chủ yếu lưu hành chuối già (loại chuối xanh, dài) vì các quốc gia nông nghiệp ngày càng ít trồng chuối sứ (do sợ không tiêu thụ được), Vinamit làm ngược lại: Khuyến khích nông dân trồng chuối sứ, sau đó thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Sản phẩm này lập tức được thị trường thế giới đón nhận bởi yếu tố thuần Việt - sự khác biệt cơ bản của chuối VN với chuối các nước khác. Sự khác biệt còn giúp cho sản phẩm của Vinamit có mặt ở nhiều nơi tại Thái Lan - nơi được xem là chiếc nôi của nông sản khu vực và thế giới. Chúng tôi thật sự tự hào về điều này. Với bất kỳ DN nào, khi đã tự hào về thương hiệu của mình sẽ càng thêm tự tin khi vươn ra thế giới.
Lập các tập đoàn gạo, cà phê
VN thật sự mạnh về nông sản, nhất là lúa gạo và cà phê. Chúng ta xếp thứ hai thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu nhưng hạt gạo VN chưa được biết đến nhiều vì chưa có thương hiệu mạnh. Hãy nhanh chóng thành lập những tập đoàn lúa gạo.
Những tập đoàn này không phải lo nguyên liệu nữa vì lúa gạo VN đã dồi dào sẵn, chỉ việc tập trung khâu tiếp thị và phát triển thương hiệu. Thương hiệu này được hình thành trên nền tảng chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị của lãnh đạo tập đoàn, mức độ chi phối của tập đoàn đối với thị trường gạo thế giới... Khi đã có thương hiệu gạo toàn cầu, chắc chắn giá trị của hạt gạo VN sẽ tăng cao hơn nữa.
Tương tự là cà phê. Sản phẩm thức uống này của VN đã có tiếng tăm nhất định trên thế giới nhưng trước nay, các thương hiệu cà phê VN mạnh ai nấy làm. Nay, Nhà nước cần đứng ra hỗ trợ chính sách và định hướng để lập những tập đoàn cà phê, chủ yếu tập trung khâu phát triển thương hiệu. Được như vậy, sẽ có những thương hiệu cà phê Việt mang tầm vóc toàn cầu.
Xóa phân biệt, tạo bình đẳng Để hiện thực hóa những kế hoạch đó, DN đóng vai trò quyết định nhưng phải có sự hỗ trợ nền tảng của Nhà nước. Trước mắt, cần xóa bỏ triệt để sự phân biệt giữa các khu vực kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa những DN thuộc các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, nên tạo điều kiện cho DN nông nghiệp nhiều hơn về đất đai trồng trọt, thuế GTGT đầu vào thu mua nông sản... Nếu không, DN nông nghiệp với nỗ lực bươn chải của mình sẽ vẫn phát triển nhưng chậm, khiến kế hoạch trở thành DN dân tộc bị trì hoãn, có khi bất thành. |
Bình luận (0)