VN vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cam kết ngành nuôi cá tra VN sẽ làm theo chứng nhận nuôi cá tra bền vững của WWF (ASC).
Thêm “lệ làng” là thêm gánh nặng cho người nuôi cá tra VN. Ảnh: NGỌC TRINH
“Lệ làng” - giá trị có hạn!
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá VN (VINAFISH), nguyên cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và thủy sản (Bộ NN - PTNT), giải thích cơ sở để các nước thống nhất với nhau về nội dung kiểm tra sản phẩm thủy sản xuất phát từ những công bố của các tổ chức do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp thành lập và điều hành. Đó là: CCFH - Ủy ban Chỉ tiêu và Mức giới hạn an toàn thực phẩm; JECFA - Ủy ban về dư lượng phụ gia thực phẩm; JEMRA - Ủy ban về vi sinh vật; JPMR - Ủy ban về kim loại nặng và thuốc trừ sâu; OIE – Tổ chức Thú y Thế giới và IPPC – Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe Thực vật Thế giới. Đến nay, cá tra VN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của 124 nước và vùng lãnh thổ công nhận và cho phép nhập khẩu.
Ông Cương phân tích, trong khi đó, giấy chứng nhận của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức tư nhân hay gọi là “lệ làng” như: SGS là một viện của hệ thống bán lẻ thủy sản của Mỹ; SQF 1000, SQF 2000 là tiêu chuẩn của Hội Nuôi thủy sản toàn cầu GAA; Ero Rep GAP là tiêu chuẩn nuôi thủy sản bền vững của một hệ thống bán lẻ của châu Âu. Và đặc biệt là ASC của WWF...
Từ phân tích trên, ông Cương kết luận, nếu không chấp hành “phép vua”, thủy sản không được phép xuất khẩu vào một quốc gia hay cả một khối quốc gia có chung luật pháp (ví dụ EU). Còn nếu không thực hiện “lệ làng”, thủy sản không được cái “làng ấy – hệ thống bán lẻ ấy” chấp thuận. “Nhưng có điều là một quốc gia đâu phải chỉ có một làng, một hệ thống
bán lẻ!!” - ông Cương nhấn mạnh.
Lo chi phí chồngchất
Phân tích về giá trị của ASC, ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Canada Thái Bình Dương (TPHCM), cho biết định nghĩa nuôi cá bền vững hoặc sản phẩm bền vững mà WWF đặt ra là sản phẩm làm ra phải thỏa mãn hai tiêu chí: Không được ảnh hưởng hại đến môi trường và sản phẩm không tồn đọng nhiều kháng sinh, chất độc, vi khuẩn. Để làm được điều này, người nuôi phải đầu tư vào công nghệ và thiết bị thu gom xử lý chất thải, xử lý nước và các phương pháp quản lý các chi phí khác. Trong khi người nuôi đang khốn khổ vì giá bán bị cạnh tranh thì lại phải gánh thêm chi phí cho hướng dẫn của ASC.
Ông Thành đặt vấn đề, người nuôi cá tra và VASEP, VINAFISH cần làm rõ là nếu làm theo ASC có thể phải chịu 2 loại chi phí là chi phí hướng dẫn theo ASC và chi phí cấp chứng chỉ (tem). Trong chi phí tem cũng cần làm rõ là tem chung hay riêng. Bởi nếu là tem chung có nghĩa là chỉ cần đầu tư cho hướng dẫn cách nuôi là sẽ được chứng chỉ. Còn nếu là tem riêng thì ngoài việc trả chi phí cho hướng dẫn, còn phải thêm chi phí để được cấp chứng nhận.
Ông Thành góp ý VASEP và VINAFISH cần có thái độ rõ ràng đứng về phía người nuôi cá tra VN để làm rõ việc người dân tự đầu tư theo công nghệ nuôi theo tiêu chí của ASC thì họ có buộc phải có chứng nhận ASC? Từ nghi ngờ này, ông Thành lo lắng cho sản phẩm cá tra lại rơi vào hoàn cảnh sẽ trả thêm chi phí cho hàng loạt tiêu chuẩn mới XYZ... nào đó.
Theo ông Nguyễn Tử Cương, nội dung phát triển thủy sản bền vững của FAO (CoC) phải đạt 4 tiêu chí: An toàn môi trường (trong và ngoài khu vực nuôi); an toàn bệnh dịch động, thực vật; an toàn thực phẩm; thực hiện tốt các chính sách xã hội (xóa đói giảm nghèo, sử dụng lao động nữ, bảo vệ trẻ em...). Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra cấp giấy chứng nhận CoC cho những cơ sở đạt yêu cầu. Những quy định ASC đều bám vào 4 tiêu chí của CoC, bởi vì CoC đúng và hoàn chỉnh nhất. Ông Cương nhấn mạnh, về bản chất không có gì khác nhau, nếu cá tra VN đã thực hiện CoC, đương nhiên đạt được các tiêu chí của các tổ chức như WWF đặt ra.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh:
Rất không bình thường
Việc làm của WWF là rất không bình thường. Không hiểu sao một tổ chức phi lợi nhuận mà lại có mục tiêu lợi nhuận lộ liễu đến vậy. Tôi cho rằng nên tỉnh táo xem có cần thiết hay không bởi hiện việc nuôi cá tra của ta đã có những quy chuẩn của nhiều tổ chức quốc tế khác như FAO, WHO hay các nước nhập khẩu có yêu cầu rất cao khác. Thêm cái quy chuẩn ASC thì không biết chúng ta được cái gì hay chỉ thêm gánh nặng chi phí cho người nuôi cá tra vốn đã phải gánh nhiều chi phí.
Tôi đề nghị phải rất thận trọng và xem xét lại thỏa thuận hợp tác nuôi cá tra theo ASC mà VASEP và VINAFISH vừa ký với WWF.
H.Thành ghi |
Bình luận (0)