Sáng 8-8, tại tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) giai đoạn 2021-2025.
Phục hồi mạnh mẽ
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Ngãi, cho hay năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú của 7 tỉnh, thành trong nhóm liên kết đạt 17,6 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 63.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt gần 33 triệu lượt; nguồn thu ước đạt gần 88.000 tỉ đồng. "Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, thể hiện sự phục hồi, phát triển ngành du lịch sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng, cả nước nói chung" - ông Dũng nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là hoạt động ý nghĩa trong phát triển du lịch chung của cả nước cũng như của từng địa phương, đặc biệt trong bối cảnh ngành này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
"Qua 2 năm triển khai, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh song các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai, trao đổi thông tin, liên kết xây dựng những định hướng mới về phát triển du lịch địa phương; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế; tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách" - ông Dũng thông tin.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện các phương án mở lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới; cơ cấu lại ngành theo yêu cầu và xu hướng mới, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững; phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.
"Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và thương hiệu mạnh đến đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí chất lượng cao, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Qua đó, tạo đột phá về hạ tầng dịch vụ du lịch, đem lại sức hút nổi trội của du lịch tỉnh, tạo cú hích để du lịch tăng trưởng nhanh, đột phá" - lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ.
Du lịch ở 7 tỉnh, thành trong nhóm liên kết đã hồi phục tích cực với khoảng 33 triệu lượt khách tham quan, lưu trú trong 6 tháng đầu năm 2022, bằng gấp đôi cả năm 2021. Trong ảnh: Du khách tham quan Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)
Tháo gỡ những "điểm nghẽn"
Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị cũng dành thời gian mổ xẻ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động liên kết phát triển du lịch. Chẳng hạn, nhiều nội dung liên kết không được triển khai hoặc triển khai nhưng chưa đạt được kết quả; chưa tạo được sản phẩm du lịch chung, đặc sắc, mang thương hiệu riêng; chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng với các vùng khác trong hợp tác phát triển và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng...
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ ra một số địa phương miền Trung tồn tại rất nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ để đưa du lịch bứt phá, đặc biệt cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng sân bay. "Trong 2 năm dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ vàng để cải tiến, nâng cấp các sân bay. Khi dịch tạm lắng, du lịch phục hồi mạnh mẽ, các sân bay trở nên quá tải, "vỡ trận". Phải giải quyết cho được hạn chế này mới đưa du lịch bứt phá mạnh mẽ được" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng các địa phương miền Trung cần chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, thiên nhiên bởi đó là xu thế cốt lõi trong phát triển du lịch hiện đại.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để du lịch miền Trung bứt phá mạnh mẽ, các địa phương cần tăng cường liên kết bằng nhiều hình thức khác nhau; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển du lịch mang bản sắc riêng, tạo nét riêng với du khách.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, ông Đoàn Văn Việt, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của mối liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Ghi nhận sự quan tâm, vai trò chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương trong triển khai nội dung liên kết giai đoạn 2021-2022, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng cho rằng hiện còn nhiều dư địa chưa phát huy hết.
"Địa phương cần quan tâm khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng và cân bằng giữa các địa phương, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng. Ngoài ra, cần tập trung phát triển thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch; thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; tăng cường nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến" - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL lưu ý.
Bình luận (0)