Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" đã áp dụng gần 1 tháng, dù duy trì được chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy nhưng gây ra nhiều khó khăn lẫn rủi ro cho doanh nghiệp (DN).
Đề xuất phương án an toàn
Trong đó, rủi ro lây nhiễm trong môi trường khép kín ở nhà máy, chi phí sản xuất tăng cao dẫn đến nguy cơ lỗ lã, tâm lý người lao động không ổn định… là những vấn đề DN phải đối diện, xử lý.
Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nêu rõ TP HCM phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15-9. Ngay sau đó, nhiều DN đã xác định khả năng phải kéo dài điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc biệt hơn 1 tháng nữa. Dù vậy, đã gần 1 tháng từ khi TP HCM áp dụng "3 tại chỗ", việc tiếp tục duy trì "3 trong 1" trong môi trường nhà máy trở nên khá áp lực đối với DN.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), cho biết thời gian qua, các DN trong khu đã tận dụng không gian trống trong công ty để xây khu lưu trú cho nhân viên nhằm duy trì sản xuất. "Chi phí phát sinh từ "3 tại chỗ" rất lớn cộng thêm tâm lý người lao động không ổn định khiến việc kéo dài đến sau ngày 16-8 là thách thức lớn" - bà Loan nhìn nhận và cho biết thêm trước thực tế đó, các DN kiến nghị TP cần có phương án thay thế "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" theo hướng cho phép người lao động được đi làm từ nhà, DN được thay thế lao động để tăng quy mô sản xuất.
"Một số DN muốn những lao động đang ở nhà có thể tham gia lực lượng sản xuất. DN rất cần bổ sung những người có tay nghề cao vào lực lượng lao động, phần nào phục hồi quy mô sản xuất và góp phần duy trì chuỗi cung ứng" - bà Loan chia sẻ.
Từ thực tế này, SHTP đã nhận được đề xuất của một số DN về phương án sản xuất an toàn.
Cụ thể, Chi hội DN Khu Công nghệ cao (SBA) đề xuất cho 2 DN là Intel Products Việt Nam và Datalogic Việt Nam được thí điểm cho phép người lao động đi làm từ nhà trong khoảng thời gian từ 16 đến 30-8. Trước mắt bắt đầu bằng nhóm nhỏ từ người lao động thuộc đối tượng thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch của địa phương khi ở nhà. Người lao động đồng thời ký cam kết những người sống chung (nếu có) cũng không rời khỏi nơi cư trú trong suốt thời gian người lao động tham gia phương án đi làm từ nhà và họ cũng sẽ được xét nghiệm tại nhà, chi phí xét nghiệm do DN chi trả.
DN cũng cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như bảo đảm có xe công ty đến đón/trả người lao động tại nhà hoặc các điểm đón gần nhà nhất; duy trì việc xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần/7 ngày trong tuần tiếp theo; có khu vực làm việc riêng cho nhóm thí điểm này trong 2 tuần đầu, sau đó mới làm việc chung với các nhóm còn lại. Người lao động sẽ phải cài ứng dụng do Khu Công nghệ cao chỉ định trong lúc đi - về hoặc một hình thức kiểm soát kỷ luật đi đường tương đương.
"Các DN mong muốn đây sẽ là giải pháp lâu dài để nhà nước - DN và người lao động cùng chung tay vượt qua đợt dịch này" - bà Loan nói.
Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex - Khu Công nghệ cao TP HCM thực hiện “3 tại chỗ” cho công nhân. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp
Cũng thuộc nhóm DN chịu nhiều áp lực khi phải thực hiện "3 tại chỗ", các DN ngành lương thực thực phẩm đang động viên nhau chung tay vượt khó thêm một thời gian nữa. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, cho hay hội đã liên tục cập nhật tình hình cũng như kiến nghị TP, các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục hoạt động. "3 tại chỗ" là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh tấn công khâu sản xuất. Đến lúc này, sau hơn 3 tuần thực hiện với rất nhiều lần xét nghiệm sàng lọc, DN đã xác định được mình "xanh" hay vẫn còn ca bệnh, tỉ lệ "xanh" được bao nhiêu phần trăm.
"Quản trị sản xuất lúc này không chỉ có năng suất, hiệu quả mà còn là việc ăn ở, tâm sinh lý người lao động. Giải pháp khả thi là DN nào đã "xanh" 100% thì có thể nới lỏng "3 tại chỗ" theo hướng vận động công nhân ở lại công ty nhưng vẫn sắp xếp cho họ về nhà với điều kiện khu vực công nhân sinh sống cũng là vùng xanh. Bên cạnh đó là nới lỏng cho DN được làm việc theo ca/kíp, nhân viên cam kết chỉ có "1 cung đường - 2 điểm đến" là nhà và công ty" - bà Chi nêu ý kiến.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất First Solar tại KCN Đông Nam (Củ Chi) thì cho rằng giải pháp tốt nhất là TP trao quyền cho DN tự quản lý, tự chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan. Theo đó, những DN nào cam kết bảo đảm điều kiện an toàn phòng chống dịch thì được hoạt động và chịu trách nhiệm, chủ động chọn và triển khai giải pháp sản xuất an toàn thay vì bắt buộc "3 tại chỗ".
Để giữ nhịp sản xuất, công ty này đang tính toán luân chuyển người lao động. "Hiện công ty có 700 lao động làm việc tại nhà máy, sau hơn 3 tuần "3 tại chỗ", họ muốn được về nhà và công ty cần bố trí lực lượng thay thế. Chúng tôi muốn luân chuyển lao động nhưng số lao động sinh sống tại TP HCM chỉ chiếm 25%, còn lại ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… nên rất cần cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn quy trình để DN đưa thêm lao động vào và đưa người đang làm việc tại nhà máy về địa phương" - đại diện First Solar kiến nghị.
Ông Phạm Mạnh Trí, Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng Công ty Unilever Việt Nam, nhấn mạnh giải pháp duy nhất để bảo đảm sản xuất là hoàn tất tiêm chủng cho người lao động tập trung. "DN sẵn sàng phối hợp với Chính phủ, chính quyền nhưng họ cần biết "3 tại chỗ" bao giờ mới kết thúc. Trong lúc này, việc luân chuyển lao động phải được thực hiện không phải theo chu kỳ mà phải có cơ chế để thực hiện thường xuyên theo từng nhóm, tổ sản xuất và phù hợp với điều kiện lao động của từng DN" - ông Trí nêu quan điểm.
Cần dừng hoạt động khi chưa bảo đảm phòng chống dịch
Sáng 11-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo từ các địa phương này, những ngày qua số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều tỉnh đã thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Tại tỉnh Đồng Nai, số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn tăng cao, dự kiến có thể lên đến 2.000 ca/ngày, trong đó khu nhà trọ công nhân có nguy cơ cao, với nhiều ca bệnh liên quan đến khu vực này. Đại diện Đồng Nai cũng cho biết hiện tại gần 2.000 DN trong các khu/cụm công nghiệp của tỉnh đang thực hiện "3 tại chỗ", khoảng 10 ngày gần đây không xuất hiện các ổ dịch lớn, các ổ dịch nhỏ đều được khoanh vùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN không bảo đảm yêu cầu về giãn cách, phân luồng. Việc xét nghiệm lọc đầu vào chưa triệt để, chưa bảo đảm giãn cách.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ Công tác của Bộ Y tế ở Đồng Nai đã đề nghị Đồng Nai nếu qua kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp "3 tại chỗ" chưa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, cần tạm dừng hoạt động. Tỉnh phải cương quyết với tình trạng này nếu không sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh tiếp.
Ng.Dung
Bình luận (0)