Chiều 13-8, Sở Giao dịch Ngân hàng (NH) Nhà nước đã thay đổi bảng niêm yết tỉ giá USD/VNĐ theo hướng nâng giá bán USD lên 22.085 đồng/USD, tăng khá mạnh so với mức 21.820 đồng/USD những ngày trước. Ở thị trường quốc tế, Trung Quốc đã có ngày thứ ba liên tiếp giảm giá đồng nội tệ thêm 1,1%, tổng cộng nhân dân tệ bị phá giá đến 4,6%.
Giá USD đụng trần
Gần cuối ngày, NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) niêm yết giá USD mua vào 22.050 đồng/USD, bán ra 22.105 đồng/USD, tăng 45 đồng/USD so với phiên trước và tăng tới 245 đồng/USD so với thời điểm trước khi NH Nhà nước nới biên độ tỉ giá lên ±2%. Đây cũng là mức giá phổ biến được các NH thương mại niêm yết và gần như đụng trần biên độ cho phép (22.106 đồng/USD) của NH Nhà nước.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết cung cầu ngoại tệ trong ngày có hơi căng thẳng do tâm lý thị trường bị ảnh hưởng từ việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh và NH Nhà nước nới biên độ tỉ giá. Phản ứng của thị trường trước diễn biến này là bình thường nên các NH thương mại đã niêm yết giá USD theo thị trường nhằm kịp thời cân đối nhu cầu cho khách hàng.
“Với đồng nội tệ Trung Quốc giảm giá liên tiếp, tôi nghĩ NH Nhà nước đang theo dõi sát để chủ động ứng phó. Việc sở giao dịch thay đổi giá bán ra USD cho thấy động thái sẵn sàng can thiệp của NH Nhà nước và thị trường sẽ nhìn vào giá mới để điều chỉnh” - ông Hà nhìn nhận.
Một chuyên gia về ngoại hối cho biết quan sát trên thị trường, ông thấy nhu cầu bán ngoại tệ từ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chưa nhiều, còn DN nhập khẩu đang lo lắng khi giá USD tăng cao. “Cầu ngoại tệ chủ yếu đến với một số NH thương mại do trước đây họ để trạng thái âm quá lớn, nay thấy giá tăng cao phải mua vào. Cung cầu trên thị trường liên NH có dấu hiệu căng thẳng ở một vài thời điểm, bằng chứng là giá USD được đẩy lên kịch trần. Việc đồng nhân dân tệ mất giá 4,6% đang tạo áp lực lớn cho NH Nhà nước trong việc điều hành tỉ giá” - chuyên gia này nhận xét.
Doanh nghiệp lo lắng
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Agrex Sài Gòn, cho biết đang hình thành một mặt bằng mới về giá nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước mắt, DN có lợi khi giá rẻ hơn nhưng nguyên liệu sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. “Nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này, chúng tôi cũng rất lo vì sợ nguồn cung không ổn định. Chưa kể, hàng xuất khẩu của Agrex Sài Gòn đi EU, Mỹ… còn phải cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn từ Trung Quốc. DN đang tính toán thay đổi cơ cấu mặt hàng để ứng phó” - ông Long cho biết.
Nhiều DN tỏ ra băn khoăn khi nhận định về việc đồng nhân dân tệ mất giá và NH Nhà nước nới biên độ tỉ giá. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể rẻ hơn nhưng lợi thế cạnh tranh hàng dệt may của Việt Nam với nước này sẽ thu hẹp.
Hiện đang có làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí nhân công nước này đắt đỏ. Nhưng nếu đồng nhân dân tệ giảm giá, hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ rẻ hơn và nguy cơ dịch chuyển đơn hàng ngược từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể xảy ra. “Hy vọng các đối tác nhập khẩu thấy tiềm năng Việt Nam hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà ổn định đơn hàng” - ông Hồng nói.
Còn chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết một số DN Trung Quốc đang nghe ngóng động thái tiếp theo của NH Trung ương nước này, sợ đồng nội tệ mất giá thêm nên tạm hoãn ký hợp đồng với một số DN Việt Nam.
Bài toán khó
Theo TS Cấn Văn Lực, cùng với việc theo dõi sát tình hình đồng nhân dân tệ, NH Nhà nước nên cân nhắc hướng điều hành tỉ giá linh hoạt hơn trong bối cảnh chung với các nước. Bài toán chốt chặn điều chỉnh 2% tỉ giá trong năm lúc này cần cân nhắc khi bối cảnh bên ngoài thay đổi. Ngay cả biên độ tỉ giá ±2% cũng không nên cứng nhắc ấn định khi đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc - chiếm 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Vậy ổn định tỉ giá không tăng quá 2% trong năm nay có giữ được? Nhất là khi thời điểm cuối năm cung cầu ngoại tệ đều tăng mạnh: cung từ các kênh xuất khẩu, kiều hối và vốn đầu tư, trong khi nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, thanh toán của DN rất lớn.
Vị chuyên gia về ngoại hối cho rằng nếu NH Nhà nước ổn định thị trường trong ngắn hạn bằng cách bán ngoại tệ ra can thiệp thị trường, liệu vài tháng tới, việc đồng nội tệ Trung Quốc giảm giá mới tác động rõ lên cán cân thương mại, nhập siêu tăng mạnh sẽ gây áp lực mới lên tỉ giá sẽ ra sao? Lúc này, ổn định tỉ giá là bài toán khó mà NH Nhà nước cần cân nhắc, đặt trong nhiều yếu tố vĩ mô khác.
Giá vàng tiếp tục biến động
Cuối ngày 13-8, giá vàng miếng SJC tại TP HCM được các DN niêm yết mua vào 34,1 triệu đồng/lượng, bán ra 34,8 triệu đồng/lượng. So với phiên trước, giá vàng tăng gần 1 triệu đồng/lượng và biến động khá bất thường. Trong ngày, nhiều thời điểm khoảng cách giá mua vào - bán ra được các DN giãn rộng tới 900.000 đồng/lượng dù lực mua từ thị trường không tăng đột biến. Khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới cũng được đẩy lên tới 5 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC giờ mở cửa sáng 13-8 tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết ở mức 33,68-33,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng hơn so với giá đóng cửa cuối ngày hôm trước ở 2 chiều mua - bán là 180.000 đồng/lượng.
Trên thị trường tự do, cuối giờ chiều, tại một số điểm giao dịch, giá vàng mua vào cao hơn so với các NH khoảng 100.000 đồng/lượng trong khi giá bán ra tương đương. Lượng khách đến bán vàng tại các điểm giao dịch tự do đông hơn hệ thống NH nhưng không tăng đột biến như nhiều thời điểm biến động trước đây.
L.Anh - P.Nhung
Bình luận (0)