Đang lan tỏa mạnh
Phóng viên: Tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (organic) Việt Nam hiện nay đang như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Quốc Phong: Nông nghiệp hữu cơ đang giữ một vai trò trọng tâm trong chính sách nông nghiệp và môi trường quốc gia của hầu hết các nước. Tại Việt Nam, theo Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ FiBL (2017), hiện có 76.666 ha đất canh tác hữu cơ (chiếm khoảng 0,7% diện tích đất nông nghiệp). Ngoài ra, còn có khoảng 2.200 ha rừng tự nhiên cho phép khai thác các sản phẩm ngoài gỗ và 14.679 ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Việt Nam cũng đã xây dựng được bộ GPS theo tiêu chí của IFOAM và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp quốc gia dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có mặt trong bản đồ GPS toàn cầu.
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 26 đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ ở 15 tỉnh/thành phố (Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau) với tổng diện tích hơn 4.100 ha. Các cây chủ yếu là dừa (3.052,3 ha), chè (538,9 ha), lúa (489,8 ha) và rau (94,1 ha). Trong các tỉnh, Bến Tre có diện tích canh tác hữu cơ nhiều nhất với hơn 3.050 ha (chủ yếu là dừa). Một số mô hình khá hiệu quả như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ với diện tích khoảng 10.000 ha xuất khẩu sang EU. Một số doanh nghiệp (DN) đi đầu trong sản xuất hữu cơ như Công ty Viễn Phú sản xuất lúa - cá tại Cà Mau với diện tích canh tác trên 250 ha; Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ… Ngoài ra, theo số liệu mới nhất của Cục Trồng trọt, có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học với 1.197 ha lúa, 90,3 ha rau, 284,7 ha nho và 79,4 ha táo, trong đó Ninh Thuận là tỉnh có diện tích lớn nhất (448,3 ha), chủ yếu vẫn là nho (284,7 ha).
Không đơn giản!
Số liệu trên cho thấy xu hướng đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ ngày càng gia tăng. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
- Thời gian qua, nhà nước có chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đang hấp dẫn nên nhiều DN bỏ vốn đầu tư. Cũng có thể nói đang có phong trào đổ xô vào nông nghiệp hữu cơ tương tự như phong trào làm nông nghiệp công nghệ cao. Trong số những người đang đổ vốn vào đó, bên cạnh những người tâm huyết, muốn khai thác cơ hội từ nông nghiệp hữu cơ cũng có những người lợi dụng chủ trương chung của nhà nước hoặc chủ trương ưu đãi của một số địa phương đối với đầu tư nông nghiệp hữu cơ mà xin đất, bỏ vốn bước đầu nhưng sâu xa là phục vụ cho một mục đích khác. Đến nay, rất ít mô hình đạt chuẩn hữu cơ 100%.
Hàng hữu cơ (organic) được bán trong hệ thống siêu thị của Co.opmart thu hút khách Ảnh: HOÀNG TRIềU
Nhiều người nghĩ đơn giản thay vì bón phân hóa học nay bón phân hữu cơ là ra sản phẩm hữu cơ hoặc trước dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học giờ chuyển qua thuốc dạng sinh học là ra sản phẩm hữu cơ. Không đơn giản như vậy! Đó chỉ là yếu tố đầu vào mang tính hữu cơ. Muốn làm nông nghiệp hữu cơ thì đầu tiên phải có đất hữu cơ chưa bị tác động bởi chất hóa học, nghĩa là phải chọn những vùng đất chưa khai phá canh tác hoặc đất đã canh tác thì phải cải tạo đất vài năm; phải quy hoạch nguồn nước không ô nhiễm, rồi quá trình canh tác… Sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ phải truy xuất được nguồn gốc để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hầu hết DN làm hữu cơ, lấy chứng nhận quốc tế và chọn hướng xuất khẩu để thu về lợi nhuận cao thay vì tổ chức phân phối trong nước. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam đang có nhu cầu lớn về thực phẩm sạch. Những lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm khiến người dân lo ngại và tìm đến thực phẩm hữu cơ, sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường để tự bảo vệ sức khỏe. Rất nhiều cửa hàng giới thiệu bán thực phẩm hữu cơ nhưng người mua khó có thể kiểm chứng sản phẩm có thật là hàng hữu cơ không. Đã có trường hợp quảng cáo là hàng hữu cơ nhưng đưa sản phẩm không đạt chuẩn hữu cơ vào kinh doanh, đánh lừa người tiêu dùng và ảnh hưởng uy tín của những cửa hàng làm ăn đàng hoàng. Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ đã báo động về vấn đề này.
Cần nhà nước làm "bà đỡ"
Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng DN chưa được thụ hưởng nhiều từ chính sách, vì sao?
- Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp bền vững. Đúng là nhà nước có chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ nhưng chính sách đó chưa đến được với DN mà đang dừng lại ở chủ trương, các bộ - ngành triển khai thực hiện nhưng chưa có công cụ nào để đưa chính sách ra đời sống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cố gắng chậm lắm giữa năm 2018 sẽ được thông qua. Đến lúc đó, hy vọng việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này sẽ rõ ràng, thuận lợi hơn.
Việt Nam mới khởi động nông nghiệp hữu cơ khoảng 5 năm và đã thu được kết quả khả quan. Trước mắt, cần xây dựng bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cho sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản hữu cơ với hệ thống kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận chuẩn quốc gia và quốc tế. Ai cũng biết làm nông nghiệp hữu cơ rất tốn kém và đòi hỏi đầu tư dài hạn, vì vậy rất cần nhà nước có chính sách ưu tiên cho DN làm nông nghiệp hữu cơ vay vốn với lãi suất ưu đãi dài hạn. Song song đó, các địa phương cần hỗ trợ thông qua việc quy hoạch vùng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nếu có quy hoạch, DN tham khảo thực tế nếu thấy hợp lý sẽ đầu tư. Giai đoạn này, chưa cần nhà nước hỗ trợ xúc tiến đầu ra gì thì sản phẩm hữu cơ tự nó đã có thị trường tiêu thụ riêng rất tốt. Nếu được nhà nước quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện thì nông nghiệp hữu cơ Việt Nam còn phát triển mạnh hơn nữa.
Đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ
Bình Điền sẽ tham gia "sân chơi" hữu cơ thế nào?
- Phân bón hữu cơ là một thành tố không kém phần quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất hữu cơ. Tại Việt Nam hiện nay, gần như chưa có thương hiệu lớn nào trong lĩnh vực phân bón hữu cơ. Vài năm trở lại đây, Bình Điền đã đẩy mạnh nghiên cứu về phân bón hữu cơ và đã đưa vào sản xuất, cung ứng phân hữu cơ ra thị trường nhưng số lượng còn hạn chế, chỉ khoảng 40.000-50.000 tấn/năm. Đại hội đồng cổ đông công ty năm 2017 cũng đã thông qua định hướng làm phân bón hữu cơ là tương lai của Bình Điền, song song với mảng chính là phân bón vô cơ đang dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Sắp tới, Bình Điền sẽ xây dựng nhà máy tại Kiên Giang chuyên sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 200.000 tấn/năm để phục vụ thị trường trong nước và xuất sang Campuchia. Cùng với đó sẽ là các chương trình, hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo tính toán của chúng tôi, nếu nhà nước có chính sách tốt, sản xuất hữu cơ thuận lợi thì trong vòng 2 năm nữa, mảng phân bón hữu cơ của Bình Điền sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu toàn công ty.
Phải theo xu thế!
"Ngay từ lúc thành lập Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tôi đã tham gia và nhận vai trò phó chủ tịch hiệp hội. Từ đó đến nay, rất nhiều người hỏi tôi vì sao Bình Điền đang là "anh cả" trong lĩnh vực phân bón vô cơ lại tham gia hiệp hội về hữu cơ và giữ vai trò nòng cốt. Giải đáp thắc mắc đó, tôi luôn trả lời: Sản xuất hữu cơ đang là xu thế và chúng tôi không thể đi ngược xu thế chung. Bình Điền "sống" bằng phân bón vô cơ nhưng nếu không nghĩ đến hữu cơ và sản xuất nông nghiệp bền vững là vô trách nhiệm. Chúng tôi tham gia trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và trách nhiệm với tương lai của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam" - ông Lê Quốc Phong chia sẻ.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ đang hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng cho Diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ (thường niên), diễn ra vào cuối tháng 12 này, tại TP HCM.
Bình luận (0)