Phát biểu tại hội thảo Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20-9, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, đồng ý về nguyên tắc cần có cơ chế ưu đãi đột phá cho các đặc khu kinh tế, đặc biệt là trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu.
Tuy nhiên, vị giáo sư cũng cảnh báo do 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều nằm ở vị trí rất nhạy cảm về chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng và môi trường nên cần có giải pháp để đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài "không xây tường kín mít rồi trong đó, người lao động nước ngoài dày đặc, biến đặc khu thành một đơn vị ngoại bang trong lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, phải có chính sách công khai minh bạch về phát triển hạ tầng, chỗ nào đầu tư BOT, chỗ nào huy động vốn ngân sách nhà nước vì hệ lụy BOT đang rất lớn" - PGS.TS Hoàng Ngọc Giao góp ý.
Đảo Phú Quốc, Kiên Giang
Bàn sâu vào nội dung đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu kinh tế theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có UBND và HĐND). Thay vào đó chỉ có trưởng đặc khu có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn, trực thuộc chính quyền cấp tỉnh, PGS Hoàng Ngọc Giao lo ngại: "Cần có tư duy đột phá, vẫn tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng hội đồng này phải khác hẳn thông lệ. Trưởng đặc khu không tham gia HĐND và trưởng đặc khu cũng nên do dân bầu trực tiếp như bầu hội đồng, để nhân dân cũng giám sát. Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì lợi ích nhóm len lỏi vào đây rất dễ dàng, đặc khu kinh tế trở thành 3 miếng mồi ngon. Nếu Luật không quy định kỹ vấn đề này sẽ là cơ hội tốt để nhóm lợi ích tiếp tục phát huy".
Theo PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, cần quy định rõ vai trò, vị trí của Trưởng đặc khu kinh tế như một giám đốc điều hành thúc đẩy con thuyền kinh tế đi lên, không được làm chính sách, không được phê duyệt các vấn đề quan trọng như môi trường... thì mới đảm bảo minh bạch. Quan trọng là phải quy định rõ cơ chế bổ nhiệm, bãi nhiệm đối với trưởng đặc khu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, luật cho đặc khu kinh tế phải thoát khỏi những trói buộc để có ưu đãi vượt trội, đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ tổ chức chính quyền hành chính hiện hành. Theo Viện trưởng Trần Đình Thiên, làm đặc khu kinh tế không phải để thu hút đầu tư trong nước mà để hút về những nguồn lực cao nhất của thế giới, những nhà đầu tư hạng nhất, những công nhân hạng nhất, tạo được sức cạnh tranh với Hongkong, Macau, Thâm Quyến. "Tôi cho rằng đặc khu phải được trao quyền và chịu trách nhiệm cao. Ngân sách của đặc khu phải độc lập mới giữ được quyền lực. Ngân sách mà chạy lên xin tỉnh thì không được", ông Trần Đình Thiên nói.
Bình luận (0)