Ngày 9-7, tại hội nghị sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế mà còn là cạnh tranh quyền lực, cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Mỹ không chỉ áp các biện pháp thuế, còn cả các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh. Chúng ta đã áp thuế tự vệ với thép, phân bón, dệt may, đồ gỗ, da giày nhưng việc Mỹ đánh thuế khiến hàng Trung Quốc bị chặn đường xuất khẩu có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm này tràn vào Việt Nam" - ông Tuấn Anh cảnh báo.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức. Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam.
Bộ Công Thương cảnh báo việc bị chặn đường xuất khẩu sang Mỹ có thể dẫn tới nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
Ngoài ra, dù Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm chính về phát triển thương mại nhưng theo Bộ trưởng Tuấn Anh, trước xu thế bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, đòi hỏi các bộ ngành cùng vào cuộc.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mở nên mọi biến động kinh tế thế giới đều có thể tác động. Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tác động với Việt Nam là hiện hữu và khó lường bởi chưa rõ cuộc chiến có kéo dài hay không.
Về giải pháp, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ 3 trụ cột cần được xây dựng vững chắc: tổ chức tốt thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tốt doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và tập trung cải cách hành chính. "Không xử lý khéo thì đây không chỉ là cuộc chiến của 2 nước lớn mà còn ảnh hưởng đến những quốc gia xuất siêu sang Mỹ như Việt Nam" - ông Chinh nhận định.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm. Bộ Công Thương dự báo nếu chính trị, kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục thuận lợi và khó khăn đan xen, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Cũng theo báo cáo, sản xuất công nghiệp và xây dựng 6 tháng tăng 9,07%; đóng góp 48,9% tăng trưởng GDP. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm % vào mức tăng chung.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp tránh các cú sốc bên ngoài
Tại hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô do trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức ngày 9-7, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, cho rằng tình hình kinh tế chính trị thế giới trong thời gian qua có những biến động khó lường, các dự báo của tổ chức tài chính quốc tế liên tục được điều chỉnh. Mới đây, Mỹ cũng quyết định áp chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và lập tức tác động đến cán cân thương mại toàn cầu, cũng như cán cân thương mại hàng hóa.
Riêng với thị trường Việt Nam, hai thị trường Mỹ và EU hiện chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và nước ta đang xuất siêu khoảng 58 tỉ USD. Nhưng với thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam lại đang nhập siêu lớn với khoảng 55 tỉ USD. Do nền kinh tế đang có độ mở rất lớn khi giá trị xuất nhập khẩu trên GDP ở mức rất cao, nên các biến động từ thị trường quốc tế sẽ có thể tác động đến Việt Nam. Để tránh các cú sốc bên ngoài, cần có chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế dân doanh phát triển, để DN trong nước mạnh lên.
T.PHƯƠNG
Bình luận (0)