Ngày 10-5, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016. Báo cáo năm nay có chủ đề “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng”.
Lạm phát có thể lên 4%
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức cao trong năm 2015 nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp, mặt bằng giá thấp. Dự báo lạm phát năm 2016 có thể lên tới 4%-4,5% trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra là 6,5%.
Nguyên nhân gây áp lực lạm phát là do sự hỗ trợ từ các yếu tố ngoại cảnh yếu đi, chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh từ năm 2015 cùng với lộ trình điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ công. Với kịch bản cao, báo cáo cho rằng tăng trưởng GDP năm 2016 có thể đạt khoảng 6,38%.
Đáng lưu ý, nhận định về kinh tế trung hạn, báo cáo cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 chỉ tăng trưởng quanh mức 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 6,5%-7%. Nhận định này cũng nhất quán với dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Như vậy, vấn đề rất đáng lưu tâm là Việt Nam không thể dựa trên các điều kiện cũ mà cần thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế.
“Để Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực là rất khó khăn nên thiết kế chính sách để thay đổi là rất cần thiết. Trong 3 yếu tố tạo nên tăng trưởng là năng suất, sáng tạo và vốn, cốt lõi là phải ở sự sáng tạo, đổi mới thể chế và sử dụng vốn hiệu quả hơn ở khu vực doanh nghiệp. Nếu không có thay đổi mạnh mẽ sẽ không đạt được mục tiêu” - ông Thành nêu rõ.
Các chuyên gia đề xuất một mô hình xây dựng chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công, tăng kết nối liên bộ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới, đưa đất nước tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy hội nhập quốc tế. Mô hình này yêu cầu Việt Nam cần một cơ chế lãnh đạo mạnh, có tầm nhìn, được hỗ trợ bởi các cấp quản lý có năng lực, một hội đồng cạnh tranh làm việc có hiệu quả và có thể khai thác tốt nhất các chính sách cam kết kinh tế quốc tế từ các hiệp định thương mại quốc tế.
“Thông tin tích cực là thông điệp mới đây của Thủ tướng Chính phủ rất đáng mừng. Đó là đề cao doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh, xây dựng chính phủ liêm chính, đã mang lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế” - TS Nguyễn Đức Thành nhìn nhận.
Siết kỷ luật tài chính
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Fulbright Việt Nam - cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 3% nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 6% đã là mức cao. Song, nếu tìm được nền tảng mới cho tăng trưởng thì có thể đạt được mức 7%.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ tiếp tục vay nợ nhiều sẽ có vốn để tăng trưởng nhanh nhưng nợ công lại tăng cao. Tiếp tục tăng vốn đầu tư để có tăng trưởng sẽ không bền vững. Nếu kỷ luật tài chính công được duy trì, tự bản thân nền kinh tế thị trường sẽ tìm được động lực tăng trưởng. Còn nếu vẫn tiếp tục duy trì mức thâm hụt ngân sách 4%-5% đến năm 2020 thì không thể tăng trưởng cao.
“Việc đầu tiên cần làm là phải thiết lập kỷ luật tài chính công, giảm ảnh hưởng của chính trị, tăng ảnh hưởng của kỹ trị cho dù có lập hội đồng cạnh tranh hay không” - ông Nguyễn Xuân Thành nêu ý kiến.
Báo cáo của VEPR cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng để đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần siết chặt kỷ luật tài khóa 2016 nhằm giảm mức bội chi ngân sách; đồng thời, cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới việc hình thành bong bóng tài sản có tính chu kỳ.
Lãi suất cho vay có xu hướng tăng
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, thanh khoản hệ thống ngân hàng (NH) thời gian qua đang chịu áp lực đã đẩy lãi suất liên NH tăng mạnh trong tuần đầu tháng 4-2016 (lãi suất liên NH ở các kỳ hạn đã tăng khoảng 1%/năm so với tuần cuối tháng trước).
Nguyên nhân tăng lãi suất là do nhóm các NH thương mại có tỉ lệ dư nợ tín dụng/huy động và tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh của Thông tư 36. Mặt khác, lãi suất liên NH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 bởi các NH đang tăng dự trữ vốn phục vụ nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II/2016.
Lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3%-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Một số NH thương mại nâng lãi suất cho vay dài hạn (12-60 tháng) lên tới 11,5%/năm. Trong các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10,5%/năm cho trung, dài hạn. T.Phương
Bình luận (0)