Từ con heo ở trại nuôi đến miếng thịt trên mâm cơm người tiêu dùng phải qua nhiều công đoạn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và ở mỗi khâu đều có thể xảy ra vi phạm. Do đó, cần có ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, tránh chuyện người sau phải chịu trách nhiệm cho vi phạm của người trước.
Ràng buộc thêm trách nhiệm
Ngày 22-10, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, đại diện cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM), đã làm việc với 7 tiểu thương (chủ lò) không vi phạm trong vụ phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần đêm 28 rạng sáng 29-9. Theo đó, cơ sở Xuyên Á đưa ra nhiều yêu cầu bắt buộc đối với chủ lò tham gia giết mổ.
Các chủ lò tổ chức giết mổ tại cơ sở Xuyên Á tham gia ký cam kết
Trước đó, tại cơ sở này, 13 chủ lò có đến 3.750 con heo bị phát hiện dương tính với thuốc an thần gây xôn xao dư luận. Theo quyết định xử phạt hành chính, mỗi chủ lò bị phạt từ 32,5-35 triệu đồng, đình chỉ hoạt động giết mổ trong 3 tháng và phải chịu phí tiêu hủy toàn bộ số heo vi phạm. Dù không có quyết định đình chỉ nhưng cơ sở Xuyên Á đã ngưng hoạt động sau khi xảy ra vụ việc.
Trước cử tri huyện Hóc Môn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết ngày 26-10 tới, cơ sở giết mổ Xuyên Á có thể được phép hoạt động trở lại. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thích mốc thời gian trên được tính sau 21 ngày, kể từ ngày cuối cùng con vật trong ổ dịch bị đưa đi tiêu hủy. Trước đó, trong quá trình lưu giữ hàng ngàn con heo do liên quan đến vụ dính thuốc an thần đã phát sinh ổ dịch lở mồm long móng tại cơ sở Xuyên Á. Do có sự phản ứng của một số tiểu thương nên đến ngày 5-10, cơ quan chức năng mới hoàn tất việc đưa heo từ cơ sở giết mổ Xuyên Á đi tiêu hủy.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết đến nay, vẫn chưa có thông báo chính thức khi nào cơ sở được hoạt động trở lại. Đối với hoạt động giết mổ, cần phải có sự tổ chức, giám sát của thú y thì thịt heo ra thị trường mới hợp pháp nên cơ sở không thể tự ý hoạt động trở lại. Tại cơ sở, tuy vẫn còn cán bộ thú y trực nhưng rất ít, chủ yếu giám sát việc tiêu độc khử trùng.
Trong thời gian ngưng hoạt động, cơ sở Xuyên Á đã sửa chữa, nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất. Đặc biệt, cơ sở mới lắp đặt 40 camera ở chuồng tồn trữ, khu vực nhập heo và dữ liệu được truyền về phòng làm việc của lực lượng thú y. Cơ sở đã làm việc với 7 chủ lò và thống nhất cam kết thực hiện 11 điều khoản nhằm chấn chỉnh hoạt động giết mổ. Trong đó có nhiều cam kết mà pháp luật chưa quy định, như tự nguyện tiêu hủy toàn bộ lô heo nếu cơ quan chức năng phát hiện chất cấm. Điều này nhằm tránh khả năng phát sinh dịch bệnh do quá trình lưu giữ để bảo đảm an toàn cho những lô heo không vi phạm.
"Từ thực tế hoạt động cho thấy tài xế là người theo sát quá trình vận chuyển lô heo từ lúc bắt ở trại nuôi đến lò mổ nên phải có ràng buộc trách nhiệm với lực lượng này. Mỗi xe vào cơ sở giết mổ, khi qua chốt bảo vệ, tài xế phải ký cam kết nguồn heo không vi phạm" - bà Thắm nói.
Cần quản lý thương lái
Trao đổi với báo chí, 7 chủ lò trên nhìn nhận tuy không có vi phạm trong vụ việc thuốc an thần nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do cơ sở Xuyên Á ngưng hoạt động, phải tìm nơi khác. Phần lớn phải chuyển heo về lò ở các tỉnh giết mổ, tăng chi phí khoảng 200.000 đồng/con. Trong khi đó, giá bán thịt lại thấp do chất lượng giảm vì thời gian từ giết mổ đến tiêu thụ kéo dài.
Theo ông Bùi Quang Vinh, một chủ lò hoạt động tại cơ sở Xuyên Á, chủ lò chỉ giết mổ gia công cho các thương lái. Mỗi chủ lò như ông có khoảng 5-6 bạn hàng (thương lái từ các tỉnh) đưa heo về giết mổ mỗi ngày. Để ổn định nơi giết mổ, ông cũng sẽ ràng buộc trách nhiệm với các thương lái để bảo đảm nguồn heo đưa vào giết mổ không bị tiêm thuốc, chất cấm…
Bà Lê Thị Lựu, một chủ lò tại cơ sở Xuyên Á, cũng đồng tình với việc siết chặt thương lái để làm ăn lâu dài, tránh rủi ro. "Nếu nguồn heo đưa về nhưng cơ sở không tiếp nhận, thương lái sẽ bị thiệt hại về kinh tế nên họ phải tìm nguồn hàng bảo đảm theo yêu cầu" - bà Lựu nói.
Tại TP HCM hiện mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Các chủ cơ sở giết mổ phần lớn là cho thuê mặt bằng, chủ lò mới tổ chức giết mổ gia công, còn chủ heo lại là người khác. Chủ heo thường gom từ nhiều nguồn nên khó khăn trong việc xác định nguyên nhân khi bị phát hiện vi phạm. Do đó, trước giờ cơ quan chức năng chỉ mới xử phạt được chủ lò, mà chưa quản lý được thương lái.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, TP HCM đặt mục tiêu cuối năm 2017 sẽ có 6 nhà máy giết mổ heo công nghiệp ra đời, thay thế cơ sở giết mổ thủ công. Tuy nhiên, do thủ tục quá phức tạp nên mục tiêu này khó đạt. Dự kiến, thời điểm các chủ đầu tư hoàn thành nhà máy kéo dài đến tháng 9-2018. Từ nay, nhà máy nào hoàn thành sẽ được hoạt động trước.
Bị dọa đóng cửa, không dám nâng cấp cơ sở
Thời gian qua, một số tiểu thương giải thích lý do tiêm thuốc an thần cho heo là do cơ sở Xuyên Á chiếm hơn 50% thị phần, thu phí cao nên phải gian lận để có lợi nhuận.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết cơ sở Xuyên Á thu phí 48.000 đồng/con heo đưa vào đây giết mổ, trong đó khâu thú y 7.000 đồng/con. "Trong mức phí này, cơ sở phải chi xử lý nước thải, an ninh trật tự, vệ sinh và đặc biệt là khấu hao nhà xưởng. Cuối tháng 6-2016, cơ sở giết mổ Nam Phong đóng cửa, chúng tôi tiếp nhận nhiều thương lái về đây nên phải đầu tư nâng công suất giết mổ từ 3.000 con/ngày lên 5.000 con/ngày. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ dùng trong thời gian ngắn, sắp phải bỏ để chuyển sang giết mổ công nghiệp vào năm 2018. Trước đây, cơ sở Nam Phong đã thu phí 46.000 đồng/con" - bà Thắm giãi bày.
Chủ một cơ sở giết mổ lớn tại TP HCM thừa nhận 10 năm qua, năm nào cũng bị cơ quan chức năng dọa đóng cửa theo quy hoạch nên không dám đầu tư vào cơ sở vật chất, sợ không thu hồi được vốn. Theo ông này, nếu 10 năm trước mà biết được hoạt động đến giờ thì bộ mặt các cơ sở giết mổ đã khang trang, tiêu chuẩn cao hơn, không tạm bợ như lâu nay.
Bình luận (0)