Chỉ sau một tuần kể từ khi nhận chiếc Ford Everest, ông Hồ Quang Dũng (ngụ quận 12, TP HCM) đã phải đưa xe vào đại lý chính hãng, cũng là nơi mua xe, để kiểm tra do thấy hiện tượng chân côn nặng, mất ga đột ngột và tắt máy.
Sau khi kiểm tra, nhân viên đại lý giải thích do ông chưa quen xe nên việc điều khiển phương tiện chưa được trơn tru. Lần thứ 2 ông Dũng đưa xe tới kiểm tra, đại lý vẫn khăng khăng cho rằng vì xe còn mới nên có cảm giác "nặng máy", cần tiếp tục chạy thêm để theo dõi. Đến lần thứ 3, đại lý mới thừa nhận xe dính lỗi kỹ thuật nhưng không có phương án xử lý bởi lý do muốn lập trình lại ga và côn thì phải làm từ nhà máy. Chấp nhận sống chung với chiếc xe dính lỗi từ cuối năm 2019 đến tận đầu tháng 4 này, không thể chịu đựng thêm nữa, ông Dũng đã mang xe đến đại lý yêu cầu giải quyết dứt điểm. Thế nhưng, khoảng 10 ngày sau, đại lý này thông báo xe bị mòn bố côn, cháy nám và phải thay bộ ly hợp mới, song chủ xe phải thanh toán toàn bộ chi phí. "Đây là lỗi của nhà sản xuất. Đúng ra, đại lý phải sửa chữa, thay thế linh kiện miễn phí cho khách ngay từ đầu. Đằng này họ cù cưa đến khi hết thời hạn bảo hành để thu tiền khách hàng. Họ còn đưa ra lý do vì bộ phận bị hư hỏng này không nằm trong chính sách bảo hành của Ford Việt Nam" - ông Dũng bức xúc.
Mới đây, ông T.X.H (ngụ quận 8, TP HCM) khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM liên quan đến chiếc ôtô Hyundai SantaFe trị giá hơn 1 tỉ đồng mua tại đại lý ở quận Bình Tân, TP HCM hồi năm 2018. Ông H. cho hay chỉ sau khoảng 10 tháng sử dụng, khi lưu thông trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, xe xảy ra hiện tượng máy kêu và có khói trắng. Ông đã thông báo với đại lý và đưa xe đến kiểm tra. Phía đại lý phản hồi chiếc xe bị hỏng turbo và tiến hành thay mới. Nhưng, chiếc xe này sau khi chạy thêm gần 1.000 km nữa thì lại xuất hiện tiếng kêu to ở phần đầu xe. Lần này, xe được kéo về đại lý kiểm tra, phát hiện hư máy do trong nhớt có mạt kim loại. Trước yêu cầu hạ máy để kiểm tra của đại lý, chủ xe chỉ đồng ý với điều kiện phải có bên thứ ba giám sát. Nếu lỗi do nhà sản xuất thì phải thay máy mới, khách hàng được đền bù 15% giá trị xe hoặc bán lại xe cho đại lý với giá thị trường để mua lại xe mới…
Ông Hồ Quang Dũng bên chiếc xe tiền tỉ của mình
Theo phản ánh của ông H., các phương án trên đều không được đại lý chấp thuận mà chỉ đồng ý "hư gì sửa đó" như xe hết thời hạn bảo hành.
Một trường hợp khác là chủ xe Suzuki XL7 lo lắng về việc động cơ máy bị rỉ dầu và yêu cầu hãng giải quyết. Tuy nhiên, hãng xe khi phản hồi việc bám dính dầu động cơ ở xe này "là bình thường". Theo ông Phan Vạn Phúc, Trưởng Phòng Dịch vụ hậu mãi ôtô Suzuki, tính đến hiện tại, hãng chỉ mới ghi nhận 2,1% số lượng xe XL7 có hiện tượng thấm dầu nhưng đây không phải là vấn đề thuộc về kỹ thuật. Đồng thời, chưa ghi nhận trường hợp nào bị hư động cơ từ việc thấm dầu này. "Để khách hàng yên tâm, Suzuki sẽ mở rộng thời gian bảo hành động cơ và hộp số lên 5 năm hoặc 150.000 km, tùy điều kiện nào đến trước" - ông Phúc nêu phương án giải quyết.
Mẫu xe Suzuki XL7 và Ertiga còn gặp tình trạng bị hụt hơi. Giải thích điều này, ông Aoki, Giám đốc sản xuất Suzuki Việt Nam, cho biết 2 dòng xe trên có chung thông số kỹ thuật về động cơ và hộp số. Theo đó, tình trạng được khách hàng phản ánh không phải lỗi hụt hơi mà chỉ là giai đoạn chuẩn bị tăng tốc bằng chức năng kickdown được trang bị trên mọi dòng xe số tự động. Như vậy, chất lượng xe hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Song, không phải chủ xe nào cũng thật sự an tâm với giải thích từ hãng xe.
"Nếu lỡ mua phải chiếc ôtô bị lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất thì hầu hết chủ xe đều phải ôm "trái đắng" bởi không dễ được đại lý cũng như nhà sản xuất chấp nhận bồi thường thỏa đáng cho khách. Đặc biệt, khi xe gặp trục trặc ở động cơ buộc phải tháo máy thì đồng nghĩa giá trị xe sẽ bị mất đi khoảng 30%. Đây là điều khiến tôi mất ăn, mất ngủ khi quyết định bỏ tiền mua chiếc xe đắt tiền" - một chủ xe bày tỏ và mong muốn các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng góp ý thêm giải pháp để giảm thiệt hại cho khách mua xe trong các trường hợp này.
Bình luận (0)