Ngày 22-5, ông Trần Văn Hạo (ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ-99029 TS, đến Báo Người Lao Động phản ánh về những khuất tất từ phía ngân hàng (NH) trong việc cho vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP của Chính phủ.
Ôm nợ vì ngân hàng
Theo trình bày của ông Hạo, ngày 23-3-2015, ông ký hợp đồng đóng 1 tàu cá vỏ thép công suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỉ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (gọi tắt là Công ty Nam Triệu; trụ sở ở TP Hải Phòng). Tháng 8-2015, ông Hạo ký hợp đồng tín dụng với NH TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bình Định (VCB Bình Định) vay 17,7 tỉ đồng, tương ứng 94% giá trị con tàu.
Sau khi ký hợp đồng, theo hướng dẫn của nhân viên VCB Bình Định, ông Hạo nộp tiền đối ứng 6% (khoảng 1 tỉ đồng) và giao giấy tờ nhà đất (gọi chung là sổ đỏ) để "làm tin".
Mới hạ thủy chưa lâu nhưng nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định phải nằm bờ vì thường xuyên hư hỏng Ảnh: ANH TÚ
Cuối tháng 5-2016, Công ty Nam Triệu bàn giao tàu cho ông Hạo. Tuy nhiên, trong một năm qua, tàu của ông thường xuyên nằm bờ do hư hỏng, chỉ đánh bắt được 6 chuyến, lỗ khoảng 500 triệu đồng. Đến kỳ thanh toán gần đây nhất, ông Hạo nợ quá hạn VCB Bình Định gần 290 triệu đồng, chưa kể gần 100 triệu đồng lãi vay. "Vừa qua, tôi xin VCB Bình Định trả lại sổ đỏ thì bị họ từ chối vì cho rằng tôi tự nguyện thế chấp. Thực tế, tôi bị họ lừa chứ có tự nguyện đâu. Dù tôi đồng tình nộp tiền đối ứng 6%, cao hơn quy định là 5% nhưng không hiểu sao họ còn giữ sổ đỏ nhà tôi" - ông Hạo bất bình.
Ông Trương Hoài Khánh (ngụ TP Quy Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép BĐ-99279 TS, cũng rơi vào tình cảnh như ông Hạo. Con tàu công suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỉ đồng của ông ở bờ nhiều hơn ra biển do thường xuyên hư hỏng. 6% tiền đối ứng trong số vốn vay 17,7 tỉ đồng đã nộp, sổ đỏ cũng đã bị VCB Bình Định thu giữ. Gần như ông không biết xoay trở ra sao khi nợ nần chồng chất, mất khả năng vay vốn để trả nợ, sửa tàu để ra khơi.
Theo VCB Bình Định, việc giữ 2 sổ đỏ của ông Hạo và ông Khánh là do 2 ông này tự nguyện thế chấp (?). Thế nhưng, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định việc giữ sổ đỏ này là trái quy định. "Toàn tỉnh có mấy chục tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/CP nhưng không ai bị giữ sổ đỏ như vậy. Chẳng có ai lại đi tự nguyện thế chấp cả. Tôi đã đề nghị VCB Bình Định trả lại sổ cho ngư dân" - ông Châu nói.
Nằm bờ nhiều hơn ra biển
Ngoài trục trặc về vay vốn, ông Hạo và ông Khánh cũng là 2 trong số hàng chục ngư dân ở tỉnh Bình Định đang gánh chịu thiệt hại nặng nề, nguy cơ vỡ nợ cao do tàu vừa đưa vào hoạt động đã hư hỏng nghiêm trọng.
Điển hình là ông Đinh Công Khánh (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chủ tàu Khánh Đỏ, số hiệu BĐ-99086 TS. Tàu có công suất 940 CV do Công ty Nam Triệu đóng. Tháng 10-2016, tàu của ông Đinh Công Khánh đi chuyến biển đầu tiên ở Trường Sa nhưng vừa ra khơi thì máy ướp đá bị hư nên quay về sửa chữa. Đến đầu tháng 3 vừa qua, tàu sửa xong, ông tốn vài trăm triệu đồng cho chuyến đánh bắt thứ hai nhưng lần này vừa ra cửa biển thì hộp số máy thủy chính bị hỏng cho đến nay. Tàu không ra khơi được khiến ông Khánh lỗ nặng. "Nếu trừ phần lãi suất ưu đãi được nhà nước hỗ trợ 6%, mỗi tháng tôi phải trả cho NH khoảng 110 triệu đồng tiền gốc và lãi. Hai chuyến đánh bắt bất thành, tôi lỗ 700 triệu đồng, lấy đâu hằng tháng trả nợ cho NH" - ông Khánh than thở.
Không riêng gì ông Khánh, nhiều chủ tàu cá vỏ thép ở huyện Phù Cát và các địa phương khác của tỉnh Bình Định cũng đang trong tình cảnh như vậy. Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, xác nhận trong 44 tàu vỏ thép của tỉnh đang hoạt động có 17 bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau vài chuyến biển. Trong đó có 12 tàu do Công ty Nam Triệu đóng, số còn lại thuộc về Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định). Tình trạng hư hỏng chủ yếu là vỏ bị gỉ sét, máy chính bị hư, hầm bảo quản không giữ được lạnh…
Ngại đóng tàu vì chi phí cao, nhiều sự cố
Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, cho biết toàn tỉnh có 13 tàu cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/CP, trong đó có 2 tàu bị ngư dân trả lại do liên tục gặp sự cố. Đó là tàu Sang Fish 01 của ngư dân Phan Bé (ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) và Hoàng Anh 01 của ngư dân Mai Thành Văn (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn). Cả hai tàu đều do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang thi công, trị giá 7 tỉ đồng/tàu, được ngư dân trả trong 7 năm. Ngư dân Phan Bé cho biết 2 năm qua, tàu Sang Fish 01 ra khơi 10 lần nhưng lần nào tàu cũng gặp sự cố về máy khiến ông bị thiệt hại nặng nề.
Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh phê duyệt đóng mới, cải hoán 54 tàu cá, tàu dịch vụ theo Nghị định 67. Trong số này chỉ có 1 tàu vỏ thép. Nguyên nhân khiến ngư dân ngại đóng tàu vỏ thép là do các chi phí đóng tàu, vận hành, duy tu bảo dưỡng cao gấp đôi tàu composite, tàu gỗ nhưng hay gặp sự cố.
Khẩn trương tìm nguyên nhân
Theo nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định, nguyên nhân dẫn đến tàu hư hỏng liên tục là do các đơn vị đóng tàu thực hiện sai hợp đồng. Theo thỏa thuận, vỏ tàu được đóng bằng thép Hàn Quốc, máy tàu chính mới hoàn toàn nhưng đơn vị đóng tàu lại dùng thép Trung Quốc và máy tàu đã qua sử dụng. Tại buổi làm việc mới đây do UBND tỉnh Bình Định tổ chức, lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thừa nhận đã sử dụng thép Trung Quốc đóng tàu thay vì phải đóng bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản như hợp đồng. Ngược lại, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho rằng tàu bị hỏng là do ngư dân sử dụng chưa thành thạo (!?). Về việc này, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định đoàn công tác của tỉnh đang khẩn trương làm rõ để có hướng xử lý phù hợp.
Bình luận (0)