Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho rằng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về chất lượng để gia tăng kim ngạch nhưng khó khăn là không có thị trường ổn định hoặc quá phụ thuộc vào một số thị trường chính. Nếu không có chiến lược bài bản, đầu tư sâu vào sản phẩm chế biến, lợi thế từ hội nhập sẽ dành cho doanh nghiệp (DN) ngoại.
Giảm sức cạnh tranh
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 4-2016 đạt 14,1 tỉ USD, giảm 6,7% so với tháng trước khiến 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước chỉ đạt 52,87 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ các năm trước. Cán cân thương mại 4 tháng đầu năm xuất siêu 1,46 tỉ USD nhưng chủ yếu nhờ giảm nhập khẩu, phần lớn giảm ở nhóm hàng cần nhập như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến lâu nay vốn có mức tăng trưởng rất cao đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm khi đạt 42,2 tỉ USD, chỉ tăng 8,8%, như dệt may, giày dép. Riêng mặt hàng máy ảnh, quay phim và linh kiện giảm đến 23,1%, phân bón các loại giảm 44%, chất dẻo nguyên liệu giảm 34,6%. Đặc biệt, nhóm nhiêu liệu, khoáng sản giảm 44,9% khi chỉ đạt 0,9 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,7 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Dù kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này khả quan trong những tháng đầu năm nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng năm nay, ngành nông lâm thủy sản đang phải đối mặt với việc sức cạnh tranh giảm sút.
Năm ngoái, nhóm hàng này chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD, giảm mạnh so với năm trước, riêng mặt hàng thủy sản chỉ đạt 6,7 tỉ USD, giảm hơn 1 tỉ USD - điều chưa từng diễn ra những năm trước. Đồng thời, phần lớn DN xuất khẩu thủy sản quy mô vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, kim ngạch giảm. Tuy nhiên, đến nay, kiến nghị tiếp tục cho DN xuất khẩu được vay ngoại tệ phục vụ các nhu cầu vốn trong nước của Vasep và DN xuất khẩu các ngành khác vẫn chưa được chấp thuận.
Ngay mặt hàng dệt may - vốn là ngành xuất khẩu chủ lực với kim ngạch chỉ đứng sau điện tử, điện thoại và linh kiện - nhiều DN cũng cho biết đơn hàng có dấu hiệu chựng lại và không dồi dào như kỳ vọng. Bốn tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 6,8 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ trong bối cảnh DN đang bị cạnh tranh đơn hàng gay gắt.
Gặp khó vì hàng rào kỹ thuật
Theo ông Đỗ Hà Nam, tiêu và cà phê đang có lợi thế xuất khẩu nhưng gạo lại có thể bị ảnh hưởng từ việc Thái Lan xả kho gạo hơn 11 triệu tấn. Những lợi thế này chỉ là trước mắt, còn về lâu dài cần phải đầu tư sâu vào các sản phẩm chế biến để có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, đây là việc không dễ thực hiện. Rất nhiều DN đầu tư vào sản phẩm chế biến để xuất khẩu gặp khó trong khâu hoàn thuế chậm, không được tiếp tục vay ngoại tệ phải chuyển sang vay bằng VNĐ với lãi suất cao hơn..., ảnh hưởng tới giá thành và khả năng cạnh tranh.
“Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt nhưng khả năng phát triển bền vững trong tương lai lại rất khó khi ảnh hưởng của El Nino ngày càng nghiêm trọng, quá trình tái canh cây cà phê gặp khó do nông dân không thấy hiệu quả. Một chiến lược ổn định lâu dài cho cà phê xuất khẩu lúc này là cần thiết” - ông Nam đề xuất.
Khó khăn khác khiến nhiều DN lo ngại là các hiệp định thương mại được ký kết với thuế suất giảm về 0% dù sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng đổi lại, hàng rào kỹ thuật đang được các nước dựng lên ngày càng nhiều. Thời gian qua, hàng loạt nông sản xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị cảnh báo từ nhiều thị trường nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để.
Chẳng hạn, cà phê xuất khẩu có chất diệt nấm (carbendazim) vượt ngưỡng cho phép bị các thị trường Mỹ, EU cảnh báo nhưng cơ quan quản lý Việt Nam vẫn chưa có ý kiến gì. Trước đây, chè, tiêu của Việt Nam xuất khẩu cũng từng bị cảnh báo vì có hàm lượng chất này vượt ngưỡng cho phép. Rồi dư lượng kháng sinh trong các mặt hàng thủy hải sản hoặc việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật chưa chặt chẽ nên vẫn có hiện tượng thẩm thấu vào mặt hàng xuất khẩu mà DN không phát hiện được...
Liên quan đến tình hình Thái Lan xả kho gạo ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước mắt cần thu thập thông tin chính xác, xem xét đánh giá kỹ lưỡng động thái của các nước xuất khẩu gạo, nhu cầu diễn biến thị trường để có biện pháp ứng phó phù hợp. Trong trường hợp Thái Lan bán gạo với giá bằng hoặc thậm chí thấp hơn gạo Việt Nam để thu hồi vốn, các bộ, ngành sẽ tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh việc đấu thầu cấp quốc gia đối với các hợp đồng lớn.
Bộ Công Thương cũng đang tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo tại các thị trường như Nga, những nước thuộc liên minh kinh tế Á - Âu và các nước đã có hiệp định thương mại với Việt Nam.
Bình luận (0)