Tại cuộc họp trực tuyến về tổng kết công tác tài chính – ngân sách và triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (6-1), ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phản ánh việc phát hành vé số điện toán Vietlott đang “loạn hết cả lên”, từ giá cả đến cách thức phát hành.
Ông Yên cho biết trước sự quan tâm quá mức của dư luận, bản thân ông đã phải ngồi ở quán cà phê để xem diễn biến thực tế ra sao. Qua đó nhận thấy vé số Vietlott được đội ngũ bán dạo bán ra với gía 12.000 đồng/vé, cao hơn 2.000 đồng so với mệnh giá. “Hỏi thì người ta bảo đại lý in sẵn giao cho đã là 11.000 đồng/vé rồi. Như thế vô hình trung làm giàu cho một số đối tượng mà chúng ta không quản lý được. Các đơn vị in vé trước hằng tuần giao cho người bán dạo phát hành, tức là in trước 3 kỳ quay số. Như vậy là sai luật và không thể quản lý” - ông Yên nói.
Vé số điện toán bán dạo bị nhiều địa phương phản ứng
Ông Nguyễn Văn Yên cho rằng: “Địa bàn tôi quản lý không có đại lý Vietlott. Các cháu đa số có hoàn cảnh gia đình nghèo đi bán vé số kiếm thu nhập, chúng tôi không nỡ lòng nào bắt”.
Theo ông Yên, vấn đề là phải tính toán và siết chặt công tác quản lý. “Chúng tôi không phản đối vé số điện toán nhưng kiến nghị phải có biện pháp quản lý hữu hiệu nếu đây là nguồn thu tốt cho ngân sách” - ông Yên đề xuất.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết năm 2016, thu ngân sách của tỉnh tuy hoàn thành kế hoạch nhưng rất khó khăn. Mặc dù tăng trưởng sản xuất trên địa bàn được mở rộng nhưng số tăng thu không đủ bù đắp số giảm thu do thay đổi chính sách thuế. Đặc biệt, thu ngân sách của tỉnh có ảnh hưởng của sự sụt giảm từ nguồn thu xổ số. Tính chung cả năm, doanh thu xổ số của tỉnh đạt 101% dự toán nhưng chỉ bằng 96% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do xổ số điện toán ảnh hưởng đến doanh thu xổ số truyền thống. Doanh thu trong các kỳ xổ chỉ đạt 92%-93%, đặc biệt là 3 tháng cuối năm có khi bằng 82% dự toán.
Theo báo cáo của Vietlott về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016, doanh nghiệp này cho biết loại hình xổ số điện toán đã được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố với doanh thu ước đạt gần 1.600 tỉ đồng. Trong đó, Vietlott đã nộp ngân sách các địa phương 2 khoản thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (15%) ước đạt 334 tỉ đồng, thuế thu nhập người trúng thưởng Jackpot của 8 khách hàng đã trả thưởng là 56,7 tỉ đồng.
Riêng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) và lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật sẽ được Vietlott xác định sau khi quyết toán năm tài chính. Ngân sách địa phương mà Vietlott triển khai kinh doanh được hưởng 100% các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán của Vietlott.
Bình luận (0)