Đại diện các cơ quan quản lý và giới chuyên gia đã cùng mổ xẻ vấn đề này ở hội thảo Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong tiến trình tái cơ cấu DN nhà nước (DNNN) do Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức ngày 27-4.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng phần lớn DNNN vẫn trực thuộc các bộ, ngành, địa phương nên một cơ quan vừa là chủ sở hữu vừa quản lý nhà nước, không tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bên cạnh đó, khi DN “có vấn đề”, cơ quan chủ quản thường lên tiếng bảo vệ nên nhiều khi đánh giá về thực trạng DN chưa chính xác. Nhà nước còn can thiệp quá nhiều vào hoạt động của DN trong khi hoạt động kiểm tra, giám sát còn hạn chế, không phát hiện hoặc chậm phát hiện sai phạm nghiêm trọng để xảy ra những hậu quả lớn tại một số DN, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, vấn đề thay đổi mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN hiện nay đang đặt ra rất cấp bách. Tài sản của nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty hiện lên đến khoảng 1,3 triệu tỉ đồng, nếu không quản lý tốt thì sẽ rất nguy hiểm.
Theo đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số mô hình. Trong đó có mô hình cơ quan chuyên trách là DN với phương án nâng cấp Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện có và mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là thành lập ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Nhiều ý kiến cho rằng mô hình DN có ưu điểm hơn so với mô hình ủy ban. Nêu ra 8 chỉ tiêu mà cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN phải đạt được, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nếu là DN, cơ quan này có thể thực hiện được 6/8 mục tiêu nhưng nếu là ủy ban thì chỉ thực hiện được 2/8 mục tiêu. Nhược điểm lớn nhất của mô hình ủy ban là dễ bị hành chính hóa, đội ngũ quản lý không chuyên nghiệp, có nguy cơ nhũng nhiễu làm khổ DN. Hơn nữa, ủy ban này trực thuộc DN thì “rất to”, khó đánh giá được hiệu quả hoạt động và người dân khó tin tưởng. Còn mô hình DN có nhiều ưu điểm nhưng lại vướng về cơ chế như lương, thưởng, nghĩa vụ... “Quỹ lương của DNNN được Bộ Nội vụ giao hằng năm, Chủ tịch HĐQT được nhận lương không quá 36 triệu đồng/tháng thì không thể tạo ra động lực thu hút nhân tài. Như vậy, không thể đem lại hiệu quả cao cho DN. Còn người đại diện vốn nhà nước tại DN hiện nay hưởng lương ở SCIC nhưng phụ cấp lại do DN trả. Thế nên, người đại diện không thể mạnh được vì ăn cây nào rào cây ấy” - ông Đinh Văn Nhã nói.
Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương), phân tích thực tiễn thế giới cho thấy không có mô hình duy nhất. Mô hình DN có ưu điểm lớn về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước nhưng điểm yếu là vị thế pháp lý và chính trị yếu nên không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về cho DN này quản lý. Ngược lại, mô hình ủy ban có vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn nhưng trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý lại chưa rõ ràng.
Bình luận (0)