Trước những diễn biến phức tạp của thị trường tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Lúng túng xây dựng khung pháp lý
Tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhưng đến nay, các cơ quan được giao nhiệm vụ là NHNN và các bộ: Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông... vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Hai năm qua, cơ quan quản lý vẫn loay hoay với chuyện cấm hay không cấm, quản lý như thế nào.
Một bộ "trâu cày" tiền ảo ở Hà Nội Ảnh: MINH CHIẾN
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cơ quan nhà nước đang lúng túng trong việc quản lý tiền ảo. Sau 2 năm vẫn chưa hình thành được khung pháp lý là sự "chậm trễ đáng tiếc", dẫn đến những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo như đã thấy. Theo ông Hiếu, tiền ảo là một loại tiền tệ mã hóa và hệ thống thanh toán kỹ thuật số toàn cầu, thay đổi từng ngày, có thể chúng ta chưa theo kịp với sự thay đổi đó dẫn đến việc quản lý còn khó khăn.
Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, việc lúng túng trong quản lý các loại tiền điện tử, tiền kỹ thuật số này là dễ hiểu vì nhiều nước trên thế giới cũng chưa đưa ra chính sách rõ ràng với loại tiền này. Cơ quan quản lý Việt Nam thận trọng là đúng, việc NHNN không công nhận bitcoin và các loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán hợp pháp cũng rất đúng đắn. Luật sư (LS) Bùi Anh Tuấn (Đoàn LS TP Hà Nội) cho hay pháp luật Việt Nam đã có chế tài đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán. Trong trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền ảo đang được "lách" để sử dụng vào các hoạt động dân sự, kinh doanh khác thay vì dùng làm phương thức thanh toán nên rất khó quản lý, xử lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 2-8, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho biết cuối tháng này, bộ sẽ trình Chính phủ Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Giải pháp tạm thời
Từ một số vụ việc tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mô hình đầu tư tiền ảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với việc nhập khẩu và sử dụng máy đào tiền ảo. Hiện Bộ Công Thương đã có đề xuất và đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan; bộ sẽ tổng hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ sớm nhất nhằm đưa ra biện pháp quản lý phù hợp với việc nhập khẩu mặt hàng này.
Đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đồng quan điểm nên tạm ngừng cho nhập máy đào tiền ảo, chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín cho rằng ngừng cho nhập máy cũng là cách cơ quan quản lý khuyến cáo nhà đầu tư có thể gặp rủi ro nếu góp vốn vào những kênh này. Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, biện pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn bởi đã có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn máy đào đang hoạt động tại Việt Nam. "Nếu muốn triệt để thì phải cấm tất cả máy đào đó hoạt động. Giải pháp này không khả thi vì khó kiểm soát trên cả nước" - ông Hiếu nói, đồng thời đề xuất Chính phủ sớm có quy định về giao dịch tiền ảo. Theo đó, các trung tâm giao dịch phải được đăng ký như một doanh nghiệp để khi xảy ra sự cố thì cơ quan quản lý có cơ sở giải quyết. Bước đầu, cơ quan quản lý sẽ cho phép giao dịch trong chừng mực nhất định, sau đó sẽ nghiên cứu và tính tới vấn đề pháp lý rộng hơn.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhìn nhận việc xem xét cho dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo về Việt Nam chưa hợp lý bởi đây là ngành công nghiệp được nhiều nước trên thế giới khuyến khích. Các loại máy đào tiền ảo này được nhập về không vi phạm pháp luật, không gây hệ lụy hoặc bất lợi cho nền kinh tế nên không có lý do để cấm. "Vấn đề là đánh thuế và quản lý sao cho phù hợp. Cơ quan quản lý cần tìm cách để giải quyết chứ không phải quản không được thì cấm" - TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận xét.
Con nợ đe dọa cả nhà đầu tư
Xung quanh giao dịch tiền ảo, ngày 2-8, chị Hương - một nạn nhân của vụ lừa đảo iFan - cho biết chị và một số nhà đầu tư khác đã được công an mời làm việc nhưng đến nay, cơ quan điều tra chưa thông báo kết quả khiếu nại. Theo chị Hương, vào thời điểm iFan sụp đổ (tháng 4-2018), Lê Ngọc Tuấn - một thành viên thuộc nhóm phát hành tiền ảo iFan - đã xuất hiện tại buổi hội thảo ở văn phòng Asama Mining (đơn vị kinh doanh máy đào tiền ảo) với tư cách là người giới thiệu, mời chào nhà đầu tư góp vốn vào Asama Mining. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện tại văn phòng của Asama Mining trên đường Quách Văn Tân, quận Tân Bình, TP HCM không tồn tại.
Trong khi đó, anh Vinh - nhà đầu tư tiền ảo TTC (do một doanh nghiệp trong nước phát hành) và tiền ảo BNC (do Công ty CP Đầu tư Phát triển doanh nghiệp điện tử Việt Nam - BNI phát hành) cho biết cả 2 đồng tiền ảo này đều do ông Vũ Đức Tĩnh làm "chủ xị". Nhiều nhà đầu tư chuẩn bị tố cáo ông Tĩnh vì thời gian gần đây, BNC và TCC không trả vốn và lãi. Cách đây 3 tuần, ông Tĩnh đã triệu tập nhà đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư nào muốn nhận vốn và lãi thì phải mời gọi người khác tham gia để lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước. "Không những vậy, ông Tĩnh còn đe dọa nhà đầu tư tiết lộ thông tin của BNC, TTC cho cơ quan chức năng, báo chí… sẽ nhận hậu quả khó lường" - anh Vinh kể.
THY THƠ
Bình luận (0)