Nếu như những năm trước, các ngân hàng (NH) đồng loạt công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm vào cuối quý II đầu quý III thì năm nay diễn biến trên thị trường có xu hướng ngược lại vì lợi nhuận NH đang là bài toán đau đầu trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp, còn nợ xấu lại có nguy cơ tăng.
Nợ xấu ngáng đường
Trong số các NH đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, bất ngờ thuộc về một số NH thương mại cổ phần nhỏ. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) - một trong những NH phải tái cấu trúc - đã công bố lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm đạt trên 263 tỉ đồng, đạt 60% kế hoạch cả năm. NH Phương Đông (OCB) cũng công bố đạt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế như kế hoạch đề ra là 320 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm. Tương tự, NH Kiên Long cũng đạt 50,56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ở khối “đầu tàu”, NH Ngoại thương (Vietcombank) tiếp tục có tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ khi đạt 2.778 tỉ đồng, NH Công Thương (VietinBank) công bố lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỉ đồng, đạt 56% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, TS Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chủ tịch HĐQT NH Đông Á (DongA Bank) - nhận định những kết quả khả quan như trên không phản ánh thực chất hoạt động chung của hệ thống NH. Chưa bao giờ hoạt động của các NH thương mại đứng trước khó khăn như hiện nay.
Chẳng hạn, ở DongA Bank, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 giảm còn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nhìn về cuối năm cũng chưa thấy cơ sở để tăng trưởng đột biến. "Ngay cả những NH đã cán đích 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm cũng không có nghĩa là đạt lợi nhuận cao vì nhìn vào kinh tế vĩ mô còn khó khăn, nhiều NH phải đưa ra mục tiêu lợi nhuận thấp hơn năm ngoái" - TS Cao Sỹ Kiêm bình luận.
Chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực phân tích nguyên nhân quan trọng làm giảm lợi nhuận của hệ thống NH 6 tháng đầu năm là do nợ xấu đang có xu hướng tăng, buộc các NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Ví dụ tại Vietcombank, nợ xấu đã vượt ngưỡng 3% và 6 tháng đầu năm, NH này phải trích lập dự phòng rủi ro 2.400 tỉ đồng.
Theo số liệu của NH Nhà nước, nợ xấu nửa đầu năm nay trở lại mức hơn 4%. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã mua thêm 11.414 tỉ đồng nợ xấu từ các NH nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn đang bế tắc do thị trường mua bán nợ đến nay chưa hình thành.
Khó cho vay
Một yếu tố khác kéo giảm lợi nhuận NH là tăng trưởng tín dụng rất ì ạch, 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,52% trong khi chỉ tiêu đề ra cho cả năm là 12%-14%. Hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỉ trọng khoảng 80% trong cơ cấu thu của các NH trong nước, các mảng dịch vụ khác chưa thể phát triển nhanh được vì đòi hỏi phải có đầu tư và có lộ trình mới được khách hàng chấp nhận.
Các NH cũng rơi vào tình trạng khó khăn là không cho vay được nhưng vẫn phải huy động tiết kiệm. Lãi biên (chênh lệch lãi suất huy động - cho vay) của nhiều NH đã xuống mức 2% trong khi phải duy trì ở mức 3% mới có lãi.
Theo TS Cấn Văn Lực, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng quá thấp là do sức cầu yếu, nợ xấu chưa được xử lý nhanh. Nhiều gói tín dụng được tung ra nhưng kết quả cần phải có độ trễ. Đầu ra của NH còn bị tắc bởi không ít doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, chưa có nhu cầu vay vốn.
Những nút thắt gây nghẽn dòng chảy tín dụng đang được Chính phủ và các bộ, ngành nỗ lực tháo gỡ nhưng dự báo tăng trưởng tín dụng khả quan cũng chỉ có thể đạt mức 10%, thấp hơn so với chỉ tiêu điều hành của NH Nhà nước.
Mặc dù đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%-14% nhưng đến nay, NH Nhà nước cho biết sẽ điều hành tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cả năm ở mức 10% nhằm thúc đẩy kinh tế và tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Tăng cho vay không có tài sản bảo đảm
Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tín dụng vào thời điểm cuối năm thường tăng gấp đôi so với đầu năm. Đầu năm nay mới tăng 3,52% thì cuối năm có thể tăng khoảng hơn 7%, như vậy cả năm có thể đạt mức tăng trưởng 10%.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NH Nhà nước vừa yêu cầu các NH phải tích cực xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cho vay không có tài sản bảo đảm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng biện pháp này có thể đem lại hiệu quả kích thích tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp không tiếp cận được vốn do không có tài sản thế chấp, còn công cụ lãi suất đã gần như hết dư địa. Hiện nay, tỉ lệ cho vay tín chấp chưa nhiều, các NH mới chỉ dám cho vay khách hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, NH Nhà nước cũng có chủ tương tiếp tục khơi thông dòng vốn bằng chương trình kết nối doanh nghiệp và khách hàng. Tại TP HCM, doanh số tín dụng của chương trình này đến nay đã đạt khoảng 12.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)