Cụ thể, mật ong Việt Nam có giá thành thấp nhờ thiên nhiên ưu đãi vốn là lợi thế lại trở thành bất lợi nên phía Mỹ đề xuất biên độ phá giá cao hơn các nước khác (từ 47,56%-138,23%). Ngoài ra, ngành mật ong Việt Nam xuất phát chủ yếu từ những cơ sở kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được tiếp cận với lĩnh vực phòng vệ thương mại nên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý vụ việc.
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, cho biết đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ điều tra bằng việc cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch.
"Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền tác động với đối tác Mỹ trong việc xem xét chứng minh về việc phá giá trong sản phẩm mật ong của Việt Nam, từ đó đình chỉ vụ kiện hoặc có mức thuế phù hợp, điều này không chỉ giúp cho nhà sản xuất mà chính cho người tiêu dùng của Mỹ. Thực tế các nhà chế biến Mỹ nhập khẩu mật ong nhiều nhất từ Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ đã quen với hương vị cũng như mức giá nên không dễ thay đổi" - ông Vân nhìn nhận.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nói: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cho doanh nghiệp, nông dân thực hiện yêu cầu từ phía Mỹ. Từ vụ việc này, đặt ra vấn đề cần đa dạng hóa thị trường (Mỹ hiện chiếm đến 95% xuất khẩu mật ong Việt Nam), tăng tiêu dùng nội địa và tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn".
Bình luận (0)