Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đến ngày 23-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu 4 m (tương đương báo động II) và trên sông Hậu tại Châu Đốc sẽ là 3,6 m (cao hơn báo động II 0,1 m).
Tập trung cứu đê
Ngày 19-9, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết theo dự báo đến ngày 25-9, mực nước cao nhất tại Tân Châu có khả năng ở 4,15 m, trên báo động II 0,15 m; tại Châu Đốc ở mức 3,75 m, dưới báo động III 0,25 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: Cấp 1. Tuy nhiên, tình hình lũ diễn biến phức tạp và có khả năng lên cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp và ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao xung yếu.
"Hiện An Giang đã có hơn 2.900 ha lúa hè thu và hơn 1.000 ha lúa thu đông bị thiệt hại do lũ gây mất trắng và đổ ngã do mưa, giông. Cùng với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường thì tình hình sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, các tuyến đê bao trong thời gian gần đây xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, An Giang đã xảy ra 8 điểm sạt lở các tuyến đê bao có khả năng ảnh hưởng đến 5.000 ha diện tích sản xuất" - ông Thư nói.
Nhiều tuyến đê bao ở huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) quá mong manh vì nước lũ bên ngoài cao hơn bên trong mặt ruộng đến gần 2 m
Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, sau hơn 14 ngày An Giang xả đập Tha La, Trà Sư thì mực nước vùng Tứ giác Long Xuyên trên kênh Vĩnh Tế thuộc các huyện Giang Thành, Hòn Đất tăng bình quân 0,15-0,24 m/ngày. Riêng tại vùng Tây sông Hậu trên kênh Cái Sắn (huyện Tân Hiệp), kênh Rạch Giá - Long Xuyên đều tăng từ 0,18-0,19 m.
Các địa phương trong tỉnh Kiên Giang cũng đang tập trung thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu muộn do canh tác giống DS1 dài ngày, tiếp tục kiểm tra, gia cố bờ bao, đắp đập ngăn lũ và bơm tiêu nước; chủ động phương tiện bơm tát để bảo vệ vườn cây ăn trái, lúa thu đông, nhất là đối với các diện tích lúa thu đông ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Kết quả gia cố bờ bao bảo vệ lúa hè thu đến ngày 13-9 là 483 km. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đoạn bờ bao đã được gia cố ở huyện Hòn Đất chưa bảo đảm nên đang tiếp tục thi công.
"Dự kiến đến ngày 30-9, toàn tỉnh sẽ thu hoạch 5.791 ha tại các huyện bị ảnh hưởng lũ như Giang Thành 2.000 ha, Kiên Lương 550 ha và Hòn Đất 3.241 ha. Đồng thời, tiếp tục gia cố bờ bao bảo vệ cho khoảng 4.700 ha tại huyện Giang Thành và Kiên Lương. Khả năng diện tích lúa còn lại bị ảnh hưởng tại 2 huyện này là 7.642 ha. Báo cáo nhanh của huyện Giang Thành cho thấy diện tích lúa hè thu bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh là 316 ha thuộc các xã Vĩnh Phú và Phú Lợi" - ông Trung thông tin.
Khẩn trương di dời dân
Cũng theo ông Trần Anh Thư, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 47 điểm sạt lở bờ sông, sụt lún kênh rạch và làm ảnh hưởng đến 74 nhà dân với tổng trị giá về đất khoảng 3,5 tỉ đồng. Mưa, giông cũng đã làm thiệt hại 247 căn nhà, trong đó có 17 căn nhà sập và 230 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo.
Ngoài ra, mưa, giông còn làm ảnh hưởng một số kho bãi, trụ điện, bảng hiệu, cơ sở hạ tầng của người dân và nhà nước. Do đó, An Giang cần trung ương hỗ trợ kinh phí để di dời khẩn cấp hơn 5.380 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở bờ sông và hơn 570 hộ dân khác sống ven kênh rạch có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp từ lũ.
UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí hơn 383 tỉ đồng để bố trí ổn định cho 948 hộ đã bị ảnh hưởng sạt lở hiện nay không có nhà ở, thực hiện ngay 3 dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai có nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập lũ và gia cố sạt lở một số tuyến đê đặc biệt quan trọng bảo vệ sản xuất và dân cư.
Còn theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, với tình hình lũ như hiện nay, các điểm trường, công trình công cộng, nhà dân chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đề phòng lũ cao hơn mức dự báo, có khoảng 1.136 hộ dân cần được sơ tán thuộc 2 huyện Kiên Lương, Tân Hiệp do nằm trên các bờ kênh không bảo đảm đến nơi an toàn.
Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện các lực lượng chức năng cùng chính quyền huyện Tháp Mười đang ra sức gia cố đê bao để bảo vệ số diện tích lúa chưa thu hoạch do bị nước lũ uy hiếp. Bởi ngày 12-9 vừa qua, tại khu vực trạm bơm Đông kênh Hậu 700, thuộc xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, đã xảy ra sự cố vỡ đê với đoạn dài hơn 3 m. Hậu quả, nước lũ nhấn chìm toàn bộ hơn 148 ha lúa từ 81-83 ngày tuổi của 55 hộ dân trong vùng với tổng thiệt hại hơn 3,3 tỉ đồng.
"Chúng tôi đang dồn toàn lực cho việc gia cố ở những đoạn đê xung yếu có khả năng bị nước lũ đe dọa để bảo vệ lúa cho nông dân trong vùng, nhất là tại các xã trong huyện Tháp Mười" - ông Hùng thông tin.
2 người tử vong
Ông Trần Anh Thư cho biết đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 1 trường hợp 2 mẹ con bị cây to ngã đè chết tại khu vực xã Tân An, thị xã Tân Châu do nước lũ ngập xung quanh làm đất mềm yếu. Đây là 2 nạn nhân đầu tiên tử vong do liên quan đến lũ trong năm nay.
Bình luận (0)