Theo quy định của Pháp lệnh Giá và Nghị định 75/CP, tất cả các mặt hàng bình ổn giá đều phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, Thông tư 104/TT-BTC của Bộ Tài chính lại thu hẹp về đối tượng đăng ký giá là doanh nghiệp Nhà nước (Nhà nước nắm cổ phần chi phối 51% trở lên) và chỉ phải đăng ký đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Lợi dụng điều này, các doanh nghiệp sữa khi cổ phần hóa tha hồ tăng giá bán.
Giá sữa tăng liên tục, chỉ thiệt cho người tiêu dùng. Trong ảnh: Chọn mua sữa tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Siêu lợi nhuận
Một công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) năm 2009 cho thấy giá sữa tại VN đầy nghịch lý. Thứ nhất, giá nguyên liệu giảm nhưng giá sản phẩm lại tăng, chỉ có 8% lượng sữa được giao dịch giá linh hoạt. Thứ hai, thuế nhập khẩu giảm hoặc chưa tăng nhưng giá sản phẩm vẫn tăng. Thứ ba, giá sữa ngoại đắt hơn nhiều so với sữa nội. Thứ tư, giá sữa tại VN cao nhất thế giới. Cụ thể, giá sữa ở VN là 1,4 USD/lít, ở Trung Quốc là 1,1 USD/lít, Ấn Độ là 0,5 USD/lít, các nước châu Âu và châu Mỹ là 0,5-0,9 USD/lít (tháng 5-2009).
Kết quả thanh tra giá bán tại các doanh nghiệp sữa do Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện cuối năm 2009 cũng cho thấy các doanh nghiệp nhập sữa về bán gấp 1,7 đến 3,2 lần giá vốn. Cụ thể, sữa Lactogen 3 loại 900 g có giá nhập 66.950 đồng, cộng thuế 5% (3.347 đồng) nhưng giá bán lẻ 131.800 đồng; Nestlé GAU 1 loại 900 g có giá nhập 72.361 đồng, cộng thuế 5%, giá bán 220.000 đồng.
Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition VN (nhập các sản phẩm Enfagrow, Enfakid), giá bán đến nhà phân phối được xác định như sau: Lấy giá vốn cộng thêm 40%-50% lãi gộp, cùng với tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán cho từng mặt hàng. Mức chênh lệch giá bán - giá nhập C&F từ 101% đến 211%, chênh lệch giữa giá bán và giá nhập kho có mức từ 96% đến 197%!
Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN Nguyễn Tuấn Khải đã từng trả lời báo chí thừa nhận giá sữa ngoại rất bất hợp lý, người trong ngành cũng thấy đau đầu. Các tập đoàn sữa lớn đều đặt nhà máy ở Thái Lan và Malaysia để bán đi khắp Đông Nam Á hưởng thuế suất ưu đãi theo CEPT/AFTA.
Khi nào bịt được lỗ hổng quản lý?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nói Thông tư 104 đã thu hẹp đối tượng phải đăng ký giá bán theo Pháp lệnh Giá và Nghị định của Chính phủ, miễn sao khoảng cách tăng gần nhất giữa 2 lần tối thiểu là 15 ngày, mỗi lần tăng giá tối đa không quá 20%. Do đó, các doanh nghiệp sữa đều “né” tỉ lệ vốn Nhà nước 51% để lọt vào diện không phải đăng ký giá.
Nhận thấy sự bất hợp lý này, Bộ Tài chính đã sửa đổi Thông tư 104 theo hướng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh sữa đều phải kê khai, đăng ký và niêm yết giá bán. Căn cứ vào công thức tính giá của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thấy yếu tố nào bất hợp lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh. Mỗi lần tăng giá cũng phải được phép của cơ quan quản lý trên cơ sở “soi” lại cơ cấu giá của doanh nghiệp, đồng thời khống chế tỉ lệ quảng cáo của mỗi doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư 104 sửa đổi dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 5 hoặc tháng 6.
Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả của thông tư mới, ông Tuấn chỉ nói “hy vọng” hãm được đà tăng giá sữa chứ không khẳng định chắc chắn sẽ hãm được. Theo ông Tuấn, doanh nghiệp có các thủ thuật tăng giá và lợi nhuận rất tinh vi. Ví dụ, khi giá nguyên liệu giảm, họ tung chiêu khuyến mãi cộng thêm trọng lượng vào sữa sản phẩm để giữ giá. Khi giá nguyên liệu tăng, họ kết thúc khuyến mãi để tăng giá sữa. Một vấn đề đáng lo ngại khác là hiện tượng chuyển giá đã được đặt ra đối với doanh nghiệp sữa nhưng chưa có cơ chế xác định, xử lý.
Ba năm, giá sữa tăng 16 lần
Tại hội thảo “Tư vấn chọn sữa an toàn, hiệu quả và tiết kiệm” diễn ra ngày 26-5 ở Hà Nội, đại diện Vinamilk cho biết giá nhiều sản phẩm sữa ngoại hiện cao gấp 2-3 lần so với các sản phẩm sữa trong nước. Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng đã có điều tra chứng minh giá sữa tại VN cao hơn giá sữa cùng loại ở một số nước trong khu vực từ 60% đến hơn 200%.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ đầu năm đến nay, giá sữa đã liên tục tăng: Tháng 1-2010, đã tăng giá sữa nhập khẩu từ 7% – 9% so với tháng trước. Trong tháng 2, giá nhiều mặt hàng sữa nước, sữa bột, sữa chua của Vinamilk bán lẻ trên thị trường tăng thêm khoảng 8%. Tháng 3, lại một đợt tăng giá mới (trung bình 8% – 10%) với một số nhãn sữa được nhiều người sử dụng. Ngoài ra, các loại sữa nước, sữa bột và sữa chua, sữa tươi, sữa đặc có đường... bán lẻ trên thị trường cũng tăng thêm 8% – 12%. Theo thống kê, trong vòng 3 năm qua, giá sữa đã tăng 16 lần.
N.Dung |
Bình luận (0)