Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo khoa học về doanh nghiệp (DN) nhà nước - thành công và những bài học đắt giá, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia tổ chức mới đây tại TP HCM.
Nợ 1,35 triệu tỉ đồng
Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Đỗ Chí nhận xét các tập đoàn, tổng công ty nhà nước một thời được xem là “quả đấm thép” nhưng trong 20 năm qua, bên cạnh một số thành tựu và một số đơn vị đóng góp tốt cho nguồn thu nhà nước, rất nhiều “quả đấm thép” thua lỗ trầm trọng làm mất vốn nhà nước, góp phần làm thiếu hụt ngân sách, lãnh đạo công ty phải hầu tòa. Các món nợ ngân hàng (NH) của nhiều DN nhà nước lại thiếu tài sản thế chấp hay nếu có thì tài sản đó phần lớn thuộc sở hữu nhà nước, gây cản trở lớn cho hệ thống NH trong xử lý nợ xấu.
Đến nay, số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con thuộc DN nhà nước lên tới 1,35 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, 48 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, như Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam hơn 53 lần, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng gần 21 lần, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông I hơn 18 lần… Do nhiều tập đoàn, tổng công ty không tự chủ được tài chính, phụ thuộc vào nguồn vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Một số tập đoàn, tổng công ty đang có nợ quá hạn lớn, kinh doanh thua lỗ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu nên tài sản không bảo đảm khả năng thanh toán nợ hiện có. Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài hơn 315.000 tỉ đồng (tính quy đổi ra VNĐ), trong đó vay ODA và Chính phủ bảo lãnh chiếm 2/3.
Cần tìm giải pháp đột phá
Trọng tâm tái cơ cấu DN nhà nước là cổ phần hóa các DN, nâng cao hiệu quả hoạt động về “chất”, tuy nhiên đến nay, tiến độ cổ phần hóa diễn ra rất chậm. Bà Nguyễn Thị Oanh, Học viện Chính trị khu vực II, nhận xét do tiến độ cổ phần hóa trong 3 năm qua chậm dẫn đến sự “dồn toa” cho 2 năm 2014-2015, đây thực sự là gánh nặng, cần phải tìm giải pháp đột phá nhưng đột phá như thế nào lại chưa có câu trả lời cụ thể. Chỉ tính riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thoái vốn 18.000 tỉ đồng, hạn chót đến năm 2015! Cổ phần hóa chậm một phần bởi các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả khiến nhà đầu tư không mặn mà góp vốn.
“Cần tạo môi trường tái khởi động các DN tư nhân thay vì tiếp tục phân bổ các nguồn lực tài chính lớn cho DN nhà nước. Phải thật sự tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty và cần những giải pháp cụ thể hơn để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa” - TS Phạm Đỗ Chí nhận xét. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính NH, theo quy định, nếu không bán vốn được cho tư nhân trong nước hoặc nước ngoài thì sẽ chuyển về NH Nhà nước, NH thương mại nhà nước hoặc tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Nhưng nếu tỉ lệ nắm giữ vốn tại DN của Chính phủ sau cổ phần hóa vẫn lên tới 65% hoặc cao hơn thì việc điều hành các DN cổ phần hóa về cơ bản khó thoát khỏi tình trạng tư duy cũ của DN nhà nước.
PGS-TS Lê Quốc Lý cho rằng cần đánh giá đúng thực chất về tài chính và hoạt động cụ thể của DN nhà nước trên cơ sở thanh - kiểm tra toàn bộ các đơn vị hiện có. Đây là giải pháp cần thiết để có thể phân loại DN. Theo đó, đơn vị làm ăn thua lỗ kéo dài cần thay đổi bộ máy lãnh đạo DN: chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc…, sau đó phân loại DN để có thể cho phá sản, bán bớt DN, cổ phần hóa tiếp một số DN không thật sự cần thiết phải 100% vốn nhà nước, thực hiện đa sở hữu với DN nhà nước...
Bình luận (0)