Trước mắt, Chính phủ định hướng bảo đảm khả năng chi trả của các NH yếu kém qua việc tập trung hỗ trợ thiếu hụt nguồn vốn ra vào (thanh khoản). Theo đó, NH Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho NH yếu kém trên cơ sở NH đó thế chấp cho NH Nhà nước các hồ sơ vay vốn có chất lượng tốt. Tuy nhiên, NH yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt của NH Nhà nước về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. NH thương mại Nhà nước và các NH thương mại cổ phần sẽ mua lại các tài sản và khoản nợ có chất lượng tốt của NH thiếu thanh khoản để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.
Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, NH yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thực hiện, NH Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc theo hướng NH Nhà nước mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của NH yếu kém để củng cố hoạt động rồi tiến hành sáp nhập, hợp nhất với NH khác hoặc bán lại cho các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, Chính phủ sẽ xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại, sáp nhập NH yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần tại các NH yếu kém được cơ cấu lại (hiện giới hạn tối đa là 30% vốn điều lệ)...
Theo NH Nhà nước, hiện có khoảng 10 NH thương mại hoạt động yếu kém, chủ yếu do sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn dẫn đến những khó khăn về thanh khoản. Chính phủ dự kiến trong năm 2012 sẽ kiểm soát được tình hình hoạt động các NH yếu kém và đến năm 2013, các NH yếu kém được xử lý cơ bản…
Bình luận (0)