Báo cáo chiến lược quý I-2021 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng từ 2-2,5 điểm % trong năm ngoái với đợt giảm mạnh nhất vào quý III-2020.
Đến quý I-2021, một số ngân hàng thương mại có điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng từ 0,1-0,4 điểm % ở các kỳ hạn ngắn, áp dụng với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng vẫn giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi từ 3%-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,5%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 12 tháng và mức 4,6%-6%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
"Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các ngân hàng thương mại vẫn rất khả quan, cộng thêm sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng từ đầu năm 2020 đến nay giãn khá rộng" – các chuyên gia phân tích của SSI nhận định.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy tính đến ngày 19-3-2021, tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế đạt 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức 0,54% của tăng trưởng huy động vốn. Theo SSI, bên cạnh sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, các ngân hàng có thể đã chủ động giảm huy động vốn để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay nhằm bảo đảm mức sinh lời của ngân hàng.
Phân tích về những yếu tố khiến lãi suất huy động có dấu hiệu nhích tăng nhẹ từ 0,1-0,5 điểm % tại một số ngân hàng thương mại từ đầu tháng 3-2021, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng do thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng không còn quá dư thừa trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chỉ hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi cần thiết.
"Sức ép lạm phát tăng lên khi giá các hàng hoá trên thế giới như giá dầu, sắt thép, lương thực… tăng mạnh. Nhu cầu tín dụng hồi phục ở mức 1,47% trong quý I, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát và việc triển khai tiêm vắc-xin" - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Theo khảo sát trong quý I-2021 của SSI, lãi suất cho vay ở hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1%-1,5%/năm, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi 2%-2,5%/năm. Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm ngoái và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%. Do đó, giới phân tích cho rằng nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
Thời gian tới, hoạt động kinh tế sôi động hơn khi dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát sẽ giúp cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát được dự báo tăng cao trong nửa cuối năm nay khiến lãi suất tiền gửi gia tăng. Do đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm nay và có thể nhích tăng lên từ 0,3-0,5 điểm % trong nửa cuối.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, áp lực lạm phát trong nước và quốc tế tăng dần sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ kể từ giữa năm nay.
Yêu cầu ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay
Về điều hành lãi suất trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định quan điểm trước hết là ổn định và duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…
Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt những chi phí tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021.
Bình luận (0)