Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa có văn bản gửi NH Nhà nước chi nhánh các tỉnh, TP, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ và tổ chức chuyển mạch thẻ về bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM dịp cuối năm. Điểm nổi bật là yêu cầu NH thương mại phải chủ động chi trả trực tiếp lương, thưởng bằng tiền mặt cho doanh nghiệp tại nơi máy ATM không đáp ứng kịp, tránh gây bức xúc trong dư luận.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NH Nhà nước chỉ đạo các NH thương mại bảo đảm hệ thống ATM thông suốt, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Chạy đua chống nghẽn mạng, hết tiền
Hai tuần sau khi Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH có hiệu lực, các NH thương mại đang “chạy đua” triển khai giải pháp chống nghẽn mạng, hết tiền trên máy ATM dịp cuối năm.
Theo đó, sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng nếu máy ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không thông báo, không đủ tiền trong ATM đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây được xem là động thái “mạnh tay” của NH Nhà nước để các NH không lơ là với hệ thống máy ATM.
Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng Phòng Thẻ ATM Vietcombank (NH TMCP Ngoại thương Việt Nam) Chi nhánh TP HCM, cho biết đã lên nhiều phương án như lập các đội tiếp quỹ 24/24 giờ, đội xử lý khẩn cấp để lấy thẻ cho khách hàng (trong trường hợp máy ATM nuốt thẻ), xử lý sai sót phát sinh.
Từ ngày 15 tháng chạp, Vietcombank sẽ tăng gấp đôi xe chuyên dụng đi tiếp quỹ, dự phòng có thể tăng gấp ba lượng tiền tiếp quỹ vào các máy ATM khi giao dịch tăng mạnh.
Đại diện của trung tâm thẻ nhiều NH khác cho biết đã trao đổi với các chi nhánh, phòng giao dịch về quy định mới, trong đó có nội dung xử phạt vi phạm liên quan đến hệ thống ATM dịp Tết, có giải pháp khả thi chống hết tiền trên máy ATM.
“Mức phạt 10-15 triệu đồng/lần vi phạm có thể không nhiều với một NH nhưng quy trách nhiệm cho từng chi nhánh, phòng giao dịch thì con số này không nhỏ, buộc các đơn vị phải tuân thủ nhằm nâng chất lượng dịch vụ” - ông Huỳnh Trung Minh, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank (NH TMCP Phát triển TP HCM), nhận xét.
Theo các NH thương mại, nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng thường tăng mạnh trong khoảng 2 tuần trước Tết và căng thẳng nhất là vào 3 đến 5 ngày cuối tháng chạp âm lịch. Tại HDBank, dù lượng máy ATM và lượng thẻ phát hành chưa nhiều nhưng NH này dự báo lượng giao dịch rút tiền qua máy ATM sẽ tăng khoảng 4 lần so với ngày thường. Các phương án phòng chống nghẽn ATM dịp Tết được nhiều NH triển khai.
Xử phạt là khả thi
Tại KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung... ở TP HCM, giờ tan tầm rất đông người lao động xếp hàng bên máy ATM chờ rút tiền. Vào những ngày doanh nghiệp trả lương, lượng người đứng chờ rút tiền rất lớn. Khi quá nhiều giao dịch rút tiền dồn vào một thời điểm, khó tránh tình trạng máy bị lỗi, treo, ngừng hoạt động hoặc hết tiền.
Chị Nguyễn Thị Tuyền (ngụ đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) cho biết trước nhà có 2 máy ATM của một NH quốc doanh nhưng máy thường xuyên hết tiền hoặc giao dịch không thành công. “Làm sao để giám sát việc NH có thực thi đúng quy định không để máy ATM hết tiền quá 24 giờ?” - chị Tuyền băn khoăn.
“Xử phạt là hoàn toàn khả thi bởi NH Nhà nước chỉ cần nhìn vào bảng tra soát, thống kê hoạt động của các máy ATM trong hệ thống NH thương mại sẽ biết cụ thể máy nào đang hoạt động, đang hết tiền và ngừng hoạt động trong bao lâu, là căn cứ để xử phạt. Tuy nhiên với quy định này, quan trọng là NH thương mại thấy được trách nhiệm của mình với khách hàng hơn là đối phó để tránh bị phạt” - đại diện một NH phân tích và nói thêm rằng các NH đang cạnh tranh rất gay gắt, tranh giành khách hàng mở thẻ nên phải chủ động phục vụ khách chứ không phải chờ nhắc nhở, xử phạt.
Thống kê của NH Nhà nước cho biết đến cuối quý III/2014, cả nước có hơn 76 triệu thẻ NH các loại. Trong đó thẻ ghi nợ nội địa (ATM) là gần 70 triệu, thẻ tín dụng hơn 3 triệu, còn lại là thẻ trả trước. Hơn 15.800 máy ATM và trên 159.000 máy cà thẻ (POS/EDC) được lắp đặt, sử dụng nhưng chủ yếu tập trung ở đô thị, TP lớn.
Bình luận (0)