xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mèo Đen – Nam Dương xưa và nay

(Theo TBKTSG)

Từ một sản phẩm ban đầu, đến nay, qua nhiều lần thay đổi người lãnh đạo, Nam Dương đã có thêm nhiều sản phẩm như tương ớt, tương tiêu, sauce chua ngọt... trong đó riêng nước tương có khá nhiều loại: hương nấm, vị gừng, vị tỏi ớt...

Chuyện xưa “Mèo Đen”...

Ông Tân Triều Long, người gốc Triều Châu, Trung Quốc, bước chân vào thương trường bằng việc mở một tiệm tạp hóa tại khu người Hoa ở Chợ Lớn. Nhạy bén trong giao dịch làm ăn, tiệm của ông nhanh chóng nổi tiếng, buôn bán phát đạt. Tuy tiệm không lớn nhưng có mối làm ăn khắp sáu tỉnh miền Tây, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và sang cả Campuchia.

Ông Lý Tống Sở, một người bạn của ông Long, kể rằng ông Long là đại lý của hãng nước tương Mickey nổi tiếng lúc bấy giờ. Công việc đang tiến triển tốt nhưng do bất đồng trong phương thức giao dịch giữa hai bên, ông quyết định không làm đại lý cho Mickey nữa và tính chuyện lập xưởng nước tương của riêng mình. Đó là vào năm 1950, và xưởng sản xuất được đặt trên đường Thương Thuyền, nay là Bến Bình Đông, quận 8. Quyết tâm dựng nghiệp, ông Long dồn tất cả vốn liếng, tâm huyết, thậm chí bỏ luôn công việc kinh doanh tiệm tạp hóa, để tập trung cho việc xây dựng cơ nghiệp mới.

Xưởng nước tương của ông Long ra đời vào năm 1951 với tên gọi xưởng nước tương Mèo Đen - Nam Dương, lấy "đầu mèo" làm nhãn hiệu. Vì sinh sau đẻ muộn thị trường nước tương đang do hãng Mickey chi phối nên ông Long phải rất vất vả tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Ông đích thân đi khắp các tỉnh, thành tìm người làm đại lý, thuyết phục họ bằng cách bán hàng gối đầu hoặc ký gửi sản phẩm... Có tầm nhìn xa, tuy xưởng còn ít công nhân nhưng ông vẫn tổ chức các phòng ban một cách rõ ràng, ai lo việc nấy để tiện bề quản lý, ông Long còn chi khá nhiều tiền cho việc quảng bá sản phẩm trên báo viết và đài phát thanh... Nhờ nỗ lực, cuối cùng nước tương "Đầu Mèo” cũng có được chỗ đứng trên thị trường.

Cũng theo ông Lý Tống Sở, kể từ khi xưởng nước tương Mèo Đen – Nam Dương định vị được sản phẩm, trên thị trường ngành hàng này chủ yếu chỉ là sự cạnh tranh giữa "Mèo Đen" và "Mickey". Bước sang thập kỷ 1960, Mèo Đen đã thắng thế so với Mickey. Nước tương Mèo Đen vươn ra khắp các tỉnh miền Nam và miền Trung. Cũng trong khoảng thời gian này, không biết vì lý do gì ông chủ hãng Mickey không sản xuất nước tương nữa mà chuyển sang kinh doanh đường mía.

Thừa thắng xông lên, ông Long tiến xa hơn một bước bằng việc tìm tòi nâng cao chất lượng sản phẩm với loại nước tương mới: nhãn hiệu "Vua Mèo". Ông còn cung cấp nguyên liệu làm nước tương cho một số hãng của phương tây, đặc biệt là Pháp.

Ở thị trường nước ngoài, ngay từ năm 1962, Mèo Đen - Nam Dương đã mở phân xưởng đầu tiên tại Phnôm Pênh, ông Long giao cho vợ và người em họ là Tân Tử Quang quản lý. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp 16 tỉnh của Campuchia. Với bảy chiếc xe tải chở hàng và hàng chục nhân viên ngoại tiêu, ông Long được mệnh danh là “Vua Mèo” vì sự thành đạt của mình. Mèo Đen –Nam Dương tiếp tục xây dựng phân xưởng thứ hai tại Vientiane, Lào, và cũng tạo được chỗ đứng thị trường này.

Ở Việt Nam, hai phân xưởng tại Đà Nẵng và Đà Lạt của Mèo Đen – Nam Dương cũng lần lượt ra đời. Thế nhưng, thời kỳ phát triển mạnh nhất của Mèo Đen – Nam Dương là vào thập kỷ 1970. Một tòa nhà lớn, cao ba tầng, cộng với nhà xưởng đã được ông Long xây dựng tại Chợ Lớn. Trong đó có chỗ ở cho nhân viên, văn phòng, phòng thí nghiệm, quán cà phê và cả hội trường, phòng thể thao... Với số nhân viên lên đến gần 400 người, ông Long tổ chức quản lý nhân sự khá chặt chẽ, giám đốc các phân xưởng, phòng ban đều là những người có trình độ cao và trực tiếp chịu trách nhiệm công việc của cơ sở mình với ông Long. Nhân viên ngoại tiêu (tiếp thị – bán hàng) đều phải có bản tường trình quá trình tiêu thụ hàng hóa và phải có thư phản hồi của khách hàng để đích thân ông xem xét.

Khi sự nghiệp đã vững vàng, “Vua Mèo” Tân Triều Long cũng tích cực tham gia công tác xã hội. Ông chi tiền ủng hộ các hoạt động thể thao mang ý nghĩa xã hội, tài trợ cho một số cơ sở giáo dục và y tế... Ông từng là chủ tịch hội đồng quản trị của hai trường dạy tiếng hoa và làm cố vấn cho một số trường học khác.

Ông Tân Triều Long qua đời tại Đài Loan cách nay hơn mười năm, các anh chị em và các con ông đã định cư nước ngoài. Hiện nay, chỉ còn người cháu là Tân Minh Liệt sống tại Đà Lạt.

... Và 50 năm sau

Hiện nay, Nam Dương đã trở lại là một thương hiệu nước chấm có tiếng trên thị trường trong và ngoài nước nhưng có giai đoạn thương hiệu này tưởng chừng lùi vào quá khứ.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Nhà nước tiếp quản xưởng nước tương Mèo Đen – Nam Dương và giao cho ngành hợp tác xã (Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán TPHCM - Saigon Co.op) quản lý vào năm 1981 với tên mới: Xí nghiệp Nước chấm Nam Dương. Lúc đó, cơ sở hạ tầng của Nam Dương xuống cấp rất nhiều, mạng lưới tiêu thụ gần như không còn và vẫn độc nhất một sản phẩm nước tương. Khó khăn chồng chất đối với những người chủ mới của xí nghiệp. Không thể để mất một thương hiệu vốn đã có chỗ đứng trên thị trường, Saigonco.op đã nhanh chóng tổ chức lại bộ máy nhân sự, tăng cường cán bộ kỹ thuật, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc... hợp lý hóa quy trình sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm.

Từ một sản phẩm ban đầu, đến nay, qua nhiều lần thay đổi người lãnh đạo, Nam Dương đã có thêm nhiều sản phẩm như tương ớt, tương tiêu, sauce chua ngọt... trong đó riêng nước tương có khá nhiều loại: hương nấm, vị gừng, vị tỏi ớt...

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc hiện nay của Nam Dương, cho biết: “Để đa dạng hóa sản phẩm và tạo uy tín cho mình, Nam Dương hợp tác với một số giáo sư thuộc lĩnh vực công nghệ thực phẩm ở Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM... nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm mới cũng như cải tiến chất lượng các sản phẩm đã có”. Chính các giáo sư này trực tiếp tư vấn, hưởng dẫn đội ngũ kỹ thuật viên của Nam Dương những biện pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nam Dương có một lợi thế lớn là dựa vào kênh phân phối của hệ thống siêu thị Co.opMart (thuộc Saigon Co.op) để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ông Hưng cho biết ngoài yếu tố quan trọng là chất lượng và giá cả, kênh phân phối sản phẩm qua các siêu thị Co.opMart giúp Nam Dương có được "điểm tựa" vững chắc một khi phải cạnh tranh toàn diện với các đối thủ có vốn lớn của nước ngoài. Xa hơn, Nam Dương đang tính đến chuyện hội nhập khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Hiện nay Nam Dương đang có nhiều khách hàng trong khu vực ASEAN, Mỹ, Nga và Đông Âu... chiếm 30% tổng doanh thu năm 2004, tăng 20% so với năm 2003, nhờ tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

Trong năm nay, Nam Dương dự kiến sẽ chuyển về nhà máy mới ở quận 7 được xây trên diện tích 10.000 m2, vốn xây dựng nhà xưởng và thiết bị là 30 tỉ đồng. Đây là giai đoạn chuyển mình mới của Nam Dương nhằm nâng công suất và tái cấu trúc hoạt động theo yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo