Ngày 9-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Thừa nhận kinh doanh mại dâm là một nghề?
Dự luật nêu rõ 11 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, gồm: Vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an và quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của luật này, trừ việc sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, điều tra tội phạm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua, bán người và các bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người; văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội…
Như vậy, danh mục cấm kinh doanh đã giảm đi 40 ngành nghề so với dự thảo luật trước đây.
Nổi bật trong số 11 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được đề xuất là “kinh doanh mại dâm”. Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, phân tích: “Có nên đưa vào luật này hay chuyển sang luật khác? Đó là chưa kể vấn đề này liên quan đến con người. Thực tế mại dâm hoạt động phức tạp, nếu cấm mà không khả thi thì chế tài thế nào? Nên thiết kế riêng, nếu không thì luật không nghiêm”.
Cùng quan điểm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, ông Lê Đắc Lâm, cho rằng còn nhiều ý kiến trái chiều về kinh doanh mại dâm nên cần xem xét khi thể hiện trong luật, “vì nếu không, hiển nhiên nó tồn tại như một nghề tại Việt Nam”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo luật đã loại bỏ nhiều ngành nghề kinh doanh bị cấm hoặc chuyển sang danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện (từ 386 giảm xuống 326). Đáng chú ý, một số ngành nghề đang bị cấm được chuyển sang kinh doanh có điều kiện do nhà nước quy định như: Dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc; dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con có yếu tố nước ngoài; kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội...
Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, cho biết hiện không có ngành nghề nào kinh doanh mà không có điều kiện và được quy định trong các luật chuyên ngành. “Do vậy, khi lập danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở luật này thay các luật khác là bất khả thi mà phải rà lại ở luật chuyên ngành” - ông Lịch nhận xét.
Đổi mới không thể bước tập tễnh
Nhắc lại phát biểu “pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới” của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trước đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các ĐBQH dày công nghiên cứu, góp ý để Luật Đầu tư (sửa đổi) mang tinh thần cải cách thực sự.
Theo Chủ tịch QH, danh mục ngành nghề cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh được dự luật nêu mới chỉ rà soát ở cấp ngành, chưa xuống đến địa phương. “Nhiều địa phương bắt người dân, doanh nghiệp (DN) phải dùng xi măng, uống bia… sản phẩm trong tỉnh. Đấy là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Đánh giá việc sửa Luật Đầu tư và Luật DN có vai trò then chốt đối với sự phát triển, hội nhập và sức cạnh tranh của DN Việt Nam, Chủ tịch QH lưu ý: “Đổi mới phải cẩn thận, không thể bước tập tễnh. Đừng cải tiến ẩu, vội! Kiên quyết làm cho được nhưng phải cẩn trọng”.
Chủ tịch QH nhấn mạnh: Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thay các luật chuyên ngành. Đây là lúc QH cần làm trọng tài, rà hết các danh mục cấm và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý thì đưa vào luật này, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi. Ngoài luật này, không ai được quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và QH tham gia rà soát để có thể đưa ra danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Trông chờ các bộ, ngành rà soát để sửa thì tôi không tin. Từng làm chục năm trong Chính phủ, tôi biết rõ rồi” - ông Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hiện nay, các cơ quan soạn thảo luật thường bảo vệ “cái sân” của mình đến cùng và như thế thì “chỉ khổ dân và DN”.
Giấy đăng ký DN không cần ghi ngành nghề
Cùng ngày, hội nghị cũng cho ý kiến về dự thảo Luật DN (sửa đổi). Đáng chú ý, dự luật quy định không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN. Tuy nhiên, dự luật quy định DN có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Bình luận (0)