Thông tin mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết trong quý I/2017, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ đến Việt Nam đánh giá năng lực giám sát an toàn của Cục HKVN. Đây là tiền đề để các hãng hàng không nước ta được mở đường bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ 3.
Chờ phía Mỹ phê chuẩn
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục HKVN, cho biết tháng 11-2016, cơ quan này đã cử đoàn công tác sang FAA báo cáo sơ bộ việc hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không của mình. Trên cơ sở đó, FAA đã lên kế hoạch đến Việt Nam để đánh giá, phê chuẩn Mức 1 (CAT1) theo phân loại của Chương trình đánh giá an toàn hàng không quốc tế (IASA). Nếu được FAA phê chuẩn, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ sẽ xem xét cấp thương quyền cho hàng không Việt Nam mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam đã hoàn thiện được mạng đường bay trực tiếp tới hầu hết khu vực trên thế giới, trừ Bắc Mỹ dù Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định Hàng không song phương từ năm 2004, cho phép các hãng hàng không của hai nước có thể mở đường bay trực tiếp tới nhau. Ngoài lý do thương mại, nguyên nhân chính là do rào cản kỹ thuật, cụ thể là nhà chức trách HKVN chưa đạt năng lực giám sát an toàn theo tiêu chuẩn của FAA.
Máy bay Boeing 787-9 của Vietnam Airlines tại Mỹ Ảnh: Ngọc Hằng
Về phía nhà vận chuyển, Vietnam Airlines (VNA) cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện về phương tiện, nguồn lực đáp ứng yêu cầu khai thác, bảo đảm kỹ thuật, thị trường… để trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên mở đường bay đến bờ Tây nước Mỹ, nơi có nhiều Việt kiều sinh sống.
Thông tin từ VNA cho hay đang xúc tiến các công việc cần thiết cho kế hoạch mở đường bay thẳng đến Mỹ vào năm 2018. Về phương tiện, VNA đã sẵn sàng thực hiện các đường bay xuyên lục địa đến Mỹ với đội bay Airbus 350 XWB và Boeing 787-9. “Chúng tôi đã lên kế hoạch này từ cách đây gần 10 năm. Trước tiên là phương tiện và thiết bị, VNA đã sẵn sàng. Vấn đề kế tiếp là nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế của cơ hội này. Đây là thời điểm tốt để mở đường bay đến Mỹ” - đại diện VNA nói.
19 năm an toàn
Thống kê của Cục HKVN cho thấy thị trường hàng không năm 2016 có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa và điều hành bay. Trong đó, đáng ghi nhận là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng cao, công tác bảo đảm an toàn hàng không năm 2016 được thực hiện tốt hơn so với năm trước.
Đây là năm thứ 19 liên tiếp, ngành hàng không bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và sự cố uy hiếp an toàn ở mức cao đã giảm. Cụ thể, toàn ngành xảy ra 82 sự cố an toàn hàng không, giảm 9% so với mức 90 sự cố của năm 2015 và không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Hầu hết các chỉ số sự cố trên 1.000 chuyến bay trong năm 2016 đều giảm so với năm 2015, bao gồm chỉ số sự cố (giảm 23%), chỉ số sự cố theo nguyên nhân và chỉ số sự cố theo mức độ uy hiếp an toàn.
Tuy nhiên, Cục HKVN nhận định công tác bảo đảm an toàn giao thông hàng không năm 2016 vẫn chưa thực sự vững chắc. Số sự cố do con người tăng dẫn đến chỉ số sự cố xảy ra do con người trong năm 2016 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là chỉ số duy nhất trong năm 2016 tăng so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, 8/26 là sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) liên quan đến nhân viên hàng không. Cụ thể là phi công đánh giá không đúng tình huống hoặc không tuân thủ phương thức khai thác tiêu chuẩn, nhận nhầm huấn lệnh.
Về phía kiểm soát viên không lưu, vẫn có trường hợp xử lý tình huống không tốt, chưa tuân thủ quy trình điều hành bay, dẫn dắt máy bay chưa hợp lý. Đối với nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất để xảy ra một số vụ việc đâm va máy bay và phương tiện mặt đất khác, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn, khai thác bay. Nguyên nhân tập trung vào yếu tố chủ quan cá nhân, không tuân thủ phương thức khai thác tiêu chuẩn, phản ứng về tình huống phát sinh không kịp thời…
Không có quan ngại về an toàn hàng không
Năm 2016, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đã thanh tra hệ thống bảo đảm an toàn hàng không Việt Nam. Kết quả ban đầu cho thấy tỉ lệ triển khai hiệu quả hệ thống bảo đảm an toàn hàng không của Việt Nam đạt 67,5%. Đây là mức cao hơn mức trung bình thế giới (63,32%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (61,09%). Đồng thời, vượt mục tiêu so với kế hoạch an toàn toàn cầu do ICAO đề ra là 62% và không có bất kỳ quan ngại nào về an toàn.
Bình luận (0)