Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM (HCA), nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp (DN) công nghệ trên địa bàn thành phố đang chờ đợi một sự hiệu triệu, một cuộc cách mạng thật sự trong thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn. Ông cho rằng TP HCM cần xem CĐS như là một mệnh lệnh theo kiểu "vươn lên mạnh mẽ hay sụp đổ".
Đề xuất thu phí sử dụng dữ liệu
Ông Long đề xuất: "Nên áp dụng CĐS vào hành chính công để tạo ra mô hình hành chính công phục vụ người dân theo phương thức mới. Chẳng hạn như thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng dịch vụ truy xuất nguồn gốc nhà đất, cung cấp thông tin về môi trường cho người dân hay chia sẻ thông tin các camera của từng khu phố".
Các khách mời tham quan triển lãm kinh tế số tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM diễn ra vào cuối tuần qua .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để làm được điều đó, cần xây dựng khung pháp lý và cơ chế thí điểm để các thành phần ngoài công lập tham gia khai thác hệ thống dữ liệu cùng với cơ quan quản lý nhà nước. Người dân, DN có thể trả tiền để được truy cập dữ liệu theo nhu cầu thông qua cơ chế chia sẻ nguồn thu.
Ngoài ra, Chủ tịch HCA cũng đề xuất TP HCM cần quy định rõ bất kể các công trình thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn, trước khi hoàn công phải nộp "hồ sơ số" cho cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật vào kho dữ liệu của thành phố. Như vậy, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, không cần phải số hóa lại, vừa có thể khai thác ngay dữ liệu để phục vụ người dân, DN. "Dữ liệu là tài sản mà nếu khai thác càng nhiều càng hiệu quả, còn đóng là dữ liệu chết. Chính vì vậy, dữ liệu rất cần tương tác, tức tác động, sự khai thác của người dân và DN" - ông Long nêu quan điểm.
Đồng tình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Ngô Diên Hy cho rằng TP HCM cần đi đầu về cuộc cách mạng hành chính công, số hóa toàn bộ giấy tờ của người dân, kết hợp cùng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để các cơ quan được liên thông trực tiếp. Theo ông Hy, hiện nay hệ thống thông tin đất đai đang triển khai riêng lẻ, cần được tổng hợp, kiểm kê đầy đủ để trở thành nguồn dữ liệu chung. Khi đó, đây sẽ là nguồn dữ liệu mở vô cùng quý giá. Thành phố có thể liên thông nhiều lĩnh vực với nhau từ đầu tư công, thuế, công chứng đến ngân hàng... Thực tế, các nước xung quanh đã dùng dữ liệu đất đai để cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn thu khi người dân và doanh nghiệp tra cứu trên mạng, điển hình là Singapore.
Cần cơ chế dẫn dắt
Nhìn ở góc độ làm thế nào kích cầu cho DN tham gia vào CĐS, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) Nguyễn Phước Hưng nói rằng thành phố cần có cơ chế đột phá dẫn dắt, tạo điều kiện cho DN tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số chung. Đồng thời thực hiện tài trợ một phần kinh phí thúc đẩy DN CĐS, cũng như cho phép DN sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ vào quá trình này…
Dưới góc độ DN, đại diện hãng gọi xe công nghệ - Gojek Việt Nam kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách tiếp tục có quy định, chính sách đồng bộ, tích hợp để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho tất cả thành phần tham gia vào hệ sinh thái số. Bởi DN không thể phát triển lớn mạnh nếu chỉ dựa vào nguồn lực của bản thân, còn cần nguồn lực, vai trò cộng hưởng của tất cả thành phần trong hệ sinh thái. Đồng thời, quá trình hoạch định và triển khai chính sách cần nắm bắt và cụ thể hóa những bước phát triển, thay đổi phù hợp nhằm có chính sách phù hợp, phát huy hiệu quả cho người dân, DN và chính quyền.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết trong chương trình CĐS và Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh - năm 2022, thành phố đã định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện, trong đó có nhóm nhiệm vụ liên quan đến vấn đề dữ liệu, như: tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung; tiếp tục phát triển dữ liệu mở (open data) để người dân, DN và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở. "DN công nghệ số sẽ phải dẫn dắt cộng đồng DN Việt Nam CĐS, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm "Make in Vietnam" để cung cấp giải pháp công nghệ cho quá trình CĐS, đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển" - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết cơ quan này sẽ tham mưu UBND thành phố triển khai hiệu quả chương trình CĐS, với những việc sẽ làm trước mắt và lâu dài theo tầm nhìn từ nay đến năm 2030. Thành phố cũng đang làm chiến lược dữ liệu từ nay đến năm 2025 để nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng dịch vụ công cho DN, người dân. "Từ đó, có hệ sinh thái dữ liệu mở để cung cấp các dịch vụ công cho người dân, DN. Đặc biệt, khi chuyển toàn bộ hoạt động của chính quyền, người dân và DN lên không gian số, chúng tôi sẽ đầu tư vào nguồn lực để bảo đảm tập trung an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ" - bà Trinh nói.
Bình luận (0)