“Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010” tại 12 tỉnh, thành của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM, thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư) với sự cộng tác của các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa công bố vào ngày 6-7 cho thấy sự phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, ngay cả giữa những người dân trong nông thôn, ở nước ta ngày càng lớn.
Dựa trên kinh nghiệm thực tế tại các vùng nông thôn, nhất là nông thôn sâu, kết hợp với số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu này, chúng ta càng thấy rõ cái nghèo và hiện trạng thiếu dinh dưỡng của người dân nông thôn là do những yếu tố vừa khách quan vừa chủ quan đang “bao vây” họ.
Tự làm nghèo
Thứ nhất là trình độ học vấn của phần đông nông dân còn kém, dẫn đến hàng loạt bất lợi cho gia đình nông hộ. Ví dụ, tình trạng thiếu dinh dưỡng ở nông thôn không phải do thiếu tiền mua thức ăn nên không đủ dinh dưỡng mà vì rất nhiều phụ nữ ở nông thôn không biết ăn những đồ bổ dưỡng có thể sản xuất quanh nhà.
Ở nông thôn, gia đình chỉ cần siêng năng một chút là có thể trồng quanh nhà một ít cây chuối, đu đủ, khóm, bưởi, chanh… một cách dễ dàng. Ở nhiều nước giàu, người ta trồng không được mấy thứ đó, phải nhập khẩu từ các nước vùng nhiệt đới để bữa ăn sáng đủ dinh dưỡng, trong khi người dân ở nông thôn ta lại không có tập quán ăn trái cây hoặc uống nước chanh, nước cam buổi sáng.
Hầu hết các hộ gia đình cũng không biết cách giữ thực phẩm cho vệ sinh, chế biến thức ăn bổ dưỡng từ các vật liệu có thể trồng quanh nhà. Và cũng vì trình độ học vấn kém nên gia đình cũng không quan tâm đến những sinh hoạt văn minh hoặc không áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến một cách nghiêm túc.
Người dân nông thôn Quảng Nam sản xuất, khai thác được nguồn thực phẩm tươi ngon từ thủy hải sản
nhưng hầu hết phải đem bán để kiếm sống, vì vậy chất lượng bữa ăn không được cải thiện. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Kế đến là trình độ dân trí thấp đưa đến những hành động có hại cho cộng đồng và môi trường sống hoặc gây tác động biến đổi khí hậu như xả rác bừa bãi, để phân gia súc rơi rớt mọi nơi.
Trong hoạt động kinh tế, tình trạng mạnh ai nấy lo dễ gây mất đoàn kết hoặc nghi ngờ, từ chối gia nhập hợp tác xã kiểu mới, không tôn trọng ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, trong khi nhiều doanh nghiệp cũng không tôn trọng hợp đồng với nông dân.
Một nhược điểm nữa là một bộ phận rất nhiều người dân nông thôn còn quá lệ thuộc vào những tập quán quá tốn kém như rượu chè, hút thuốc, đánh bạc…, dẫn đến trộm cắp, cầm cố đất đai, rồi một thời gian sau không trả nợ được bèn phải bán đất, trở thành người không đất.
Lợi tức bị xà xẻo
Bên cạnh những yếu tố chủ quan trên, người dân nông thôn, nhất là ở ĐBSCL, phải sống trong điều kiện kém thuận lợi. Đó là đường sá giao thông nông thôn ở các vùng nghèo, vùng sâu chưa được thông suốt; trường học và hệ thống giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập; trạm xá thiếu thốn thuốc men và bác sĩ giỏi; bộ máy lãnh đạo xã - ấp, thậm chí cấp huyện, yếu về quản lý và chuyên môn khoa học kỹ thuật; phân bón, thuốc giả tràn lan, không được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, để nông dân áp dụng kém hiệu quả dẫn đến lợi tức đã thấp càng thấp hơn; thực phẩm giả mạo hoặc không bảo đảm an toàn vệ sinh vẫn được lưu hành và sử dụng, nảy sinh bệnh tật khiến người dân phải tiêu tốn tiền.
Đáng lo và khó giải quyết là hệ thống thu mua nông sản còn bị lệ thuộc. Thương lái câu kết với các công ty lương thực đã và đang tiếp tục lấy đi tỉ lệ lớn tiền lời do nông dân làm ra.
Đúng thời điểm thu hoạch lúa rộ, các công ty và thương lái không mua lúa, để lúa bị ứ đọng. Các công ty xin kinh phí của Nhà nước để cho các thương lái mua lúa giá rẻ mạt để “tạm trữ”, khi lúa trong dân đã hết, họ bắt đầu bán lúa hoặc bán gạo giá cao thì dân không còn gì để bán.
Thiệt hại này cứ lặp đi lặp lại mãi nhưng không ai ngăn chặn được. Hệ thống lưu thông, tiếp thị lúa gạo như thế này không có gì bảo đảm cho nông dân có lời ổn định.
Những con đường thoát nghèo
Ảnh hưởng tổng hợp của những yếu tố trên đây đã kéo dài sự nghèo nàn vĩnh cửu của các nông hộ và sự chậm phát triển của nông thôn những vùng sâu, vùng xa, làm nới rộng thêm sự phân hóa giàu nghèo của đất nước.
Nhưng thành tích giảm nghèo của nước ta đã làm thế giới kính phục, vì thực chất số liệu xóa nghèo của ta bao gồm một số ít đã thoát nghèo cộng với đa số cận nghèo. Tỉ lệ nông hộ cận nghèo này rất dễ lọt sang nhóm nghèo khi có bất trắc, dù rất nhỏ. Do đó, các chuyên gia nhìn nhận rằng tỉ lệ xóa nghèo của chúng ta không ổn định.
Dân nông thôn đã nghèo như thế, nông thôn rất hiếm việc làm nhưng thường “bị huy động” đóng góp công và của theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên đã nghèo lại nghèo thêm.
Đáng lý ra, Nhà nước nên đưa dự án xuống nông thôn kèm theo một khoản ngân sách rất cụ thể để xây dựng nông thôn mới, từ đó người dân sẽ có việc làm, phần nào cũng có tiền lương sinh sống.
Đó là cách tạo ra công ăn việc làm cho nông thôn. Quỹ “xóa đói giảm nghèo” của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu làm được như thế. Nhưng tiếc thay các viên chức kế hoạch lại không mặn mà với những dự án nhỏ đó!
Trung ương Đảng đã sáng suốt nhìn nhận thực trạng trên nên đã có Nghị quyết 26 về tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn). Nhưng từ nghị quyết đến thực tế phải có những sáng kiến thực hiện cụ thể để có kết quả chỉ đạo cho các địa phương.
Hiện nay, đã có nhiều mô hình đang được một số công ty như Nông trường Sông Hậu, Công ty ADC, Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang… thực hiện để bảo đảm cho nông dân trồng lúa làm theo kỹ thuật nông nghiệp tối hảo (GAP) đạt năng suất cao và bán hết lúa cho công ty. Dù vậy, trong những mô hình này, công ty và nông dân vẫn chưa có sự gắn kết với nhau ngoài quan hệ tiền trao cháo múc.
Một mô hình mới hơn nữa đang được triển khai tại huyện Tam Nông, huyện Giồng Găng (Đồng Tháp) và huyện Phú Tân (An Giang) theo dạng “công ty cổ phần nông nghiệp”. Với hình thức này, dự kiến quan hệ giữa nông dân tham gia và doanh nghiệp được gắn chặt bằng cổ phần của công ty.
Nông dân tuy không có tiền nhiều lúc ban đầu nhưng họ có lúa, vì vậy cần có một chính sách cho nông dân có thể mua cổ phần bằng lúa sau mỗi vụ thu hoạch và bán lúa cho công ty của chính họ với giá bảo đảm có lợi.
Như thế, nông dân sẽ không còn bị rủi ro vì chênh lệch giá, trái lại, luôn có lời, kể cả lời từ chia cổ tức hằng năm, thoát ly đời làm tôi tớ cho các công ty và sẽ trở thành người làm chủ công ty. Lối ra này của nông dân nghèo Việt Nam có thể thực hiện được với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước. Hy vọng rằng Quốc hội khóa XIII này sẽ góp sức cho nông dân được đổi đời.
Giảm nghèo nhưng vất vả hơn
“Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010” được CIEM thực hiện ở 2.200 hộ gia đình tại 12 địa phương gồm: Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Ðiện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng và Long An.
Theo đó, từ năm 2008 - 2010 là thời gian kinh tế biến động nên báo cáo năm 2010 có mục đích làm sáng tỏ thực trạng tại khu vực nông thôn Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ hộ nghèo nói chung đã giảm từ 20% năm 2008 xuống 16% năm 2010. Tuy nhiên, số hộ nghèo tại một số tỉnh lại đang tăng lên cao hơn cả mức năm 2006, trong đó có Long An, Khánh Hòa, Điện Biên; trong khi số hộ nghèo tại các tỉnh khó khăn như Lai Châu lại giảm rất mạnh, tới 20%, Phú Thọ giảm 12%...
Theo báo cáo, có tới 6% số hộ không hề có đất nông nghiệp nào và tỉ lệ này được duy trì nhiều năm nay. Đáng lo ngại như Đắk Lắk gần 9%, Long An 9,4%, Đắk Nông 5,8%; riêng tỉnh Khánh Hòa có tới 18,4% số hộ nông dân không có đất canh tác.
Về chất lượng bữa ăn, cũng theo báo cáo, tại các hộ gia đình ở Quảng Nam và Hà Tây (cũ), sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn giảm xuống rõ nét; các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn ở mức thấp nhất.
Báo cáo cũng cho biết các hộ dân nông thôn năm 2010 đã phải làm nhiều thứ hơn để nâng thu nhập. Năm 2008, mỗi hộ chỉ thu nhập 52,7 triệu đồng/năm thì năm 2010 đã tăng lên 80,9 triệu đồng/năm. Mức thu nhập bình quân thấp nhất là Quảng Nam với trung bình chỉ 42 triệu đồng/hộ/năm, tiếp đến là Lai Châu 46 triệu đồng/hộ/năm. Cao nhất là Long An với 114 triệu đồng/hộ/năm. Theo CIEM, mức thu nhập này thực tế không phải là cao vì mỗi hộ nông dân thường có 4-5 người.
(Nguồn: CIEM) |
Bình luận (0)