Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng vừa trả lời chính thức trước thông tin cho rằng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ sáp nhập 2 mạng di động trực thuộc là Mobifone và Vinaphone. Ông Thắng khẳng định: Hiện Bộ TT-TT chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này.
VNPT sợ mất “gà đẻ trứng vàng”
Ông Phạm Hồng Hải cho biết theo Nghị định 25, VNPT sẽ phải sáp nhập Vinaphone và Mobifone hoặc cổ phần hóa một trong 2 mạng di động; không được sở hữu chéo quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần sang mạng kia. Vì thế, VNPT phải chủ động đề xuất lộ trình thoái vốn ở Mobifone hoặc Vinaphone. Từ các phương án đề xuất của VNPT, Bộ TT-TT sẽ thẩm định trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình cho VNPT thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông, quyền lợi khách hàng và lợi ích của DN.
Trước tình thế này, dường như sự lựa chọn số 1 của VNPT là sáp nhập 2 mạng làm một để tránh việc phải cổ phần hóa “con gà đẻ trứng vàng” Mobifone đang nuôi cả vạn nhân lực của tập đoàn.
Về vấn đề này, theo một cựu quan chức của Bộ TT-TT và người từng lãnh đạo VNPT nhiều năm, sáp nhập Mobifone với Vinaphone là việc buộc phải làm đối với VNPT. Vị cựu lãnh đạo VNPT này phân tích do Mobifone tiếp nhận thành quả từ kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư nước ngoài - Comvik International Việt Nam - CIV (VNPT có hợp đồng hợp tác kinh doanh với CIV thuộc Tập đoàn Kinnevik, Thụy Điển – PV) nên việc quản lý DN nề nếp và hiệu quả hơn rất nhiều so với Vinaphone. Mobifone chỉ chiếm 4% nhân lực nhưng đạt tới 50% lợi nhuận của VNPT hiện nay.
“Vì vậy, VNPT không muốn Mobifone sớm cổ phần hóa vì đây là DN đang góp ngân sách lớn nuôi cả bộ máy cồng kềnh của tập đoàn này. Vì khi cổ phần hóa, theo quy định, VNPT chỉ còn sở hữu khoảng 20% vốn của Mobifone và bức tranh tài chính của tập đoàn này rất khó khăn” – ông nhận định.
Mất giá trị thương hiệu nếu sáp nhập
Mặc dù số lượng thuê bao đứng thứ hai trên thị trường mạng di động (theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2011, Viettel chiếm 36,72% thị phần, còn lại là Mobifone chiếm 29,11% và Vinaphone chiếm 28,71%...) nhưng nhà mạng lâu đời nhất Việt Nam này lại dẫn đầu về doanh thu trên một thuê bao. Điều này thể hiện hiệu quả và giá trị rất lớn của Mobifone so với các đối thủ. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Mobifone có giá trị thương hiệu lớn và hoạt động rất hiệu quả. Trong khi đó, thương hiệu Vinaphone cũng không nhỏ. Vì thế, khi sáp nhập, thương hiệu có bị sụt giảm, việc phình to liệu có quá sức quản lý của VNPT?
Vị cựu lãnh đạo VNPT nêu trên cho biết chủ trương cổ phần hóa Mobifone có từ lâu và được nhiều cơ quan đồng tình thay vì sáp nhập.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định đến thời điểm này, Bộ TT-TT vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc sáp nhập 2 nhà mạng Mobifone và Vinaphone. “Quan điểm của Bộ TT-TT trong việc cơ cấu lại các DN Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, trong đó có VNPT, là phải bảo đảm DN hoạt động hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, không để xảy ra độc quyền.
Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, đại diện VNPT khẳng định: Nếu sáp nhập, các đầu số thuê bao vẫn giữ nguyên. |
Bình luận (0)