Con số 48.700 doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc ngừng hoạt động chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011, tăng 21,8% so với năm 2010, một lần nữa xác nhận tình trạng khó khăn nhiều mặt của DN Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Khó cả đầu vào lẫn đầu ra
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận đây là con số lớn nhất được công bố từ trước đến nay. Tuy chưa đủ cơ sở để đánh giá đã phản ánh đầy đủ bức tranh kinh tế Việt Nam hay chưa nhưng con số này là đáng tin cậy vì do Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố. Theo TS Lê Đăng Doanh, hệ quả là một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm hoặc thu nhập giảm sút.
Khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là khó tiếp cận vốn; lãi suất quá cao, lợi nhuận thu được không đủ trả lãi; sức mua giảm sút khiến thị trường tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng. “DN không chỉ gặp khó khăn đầu vào như lãi suất cao, giá nguyên vật liệu tăng, tiền lương tăng mà còn gặp khó khăn cả đầu ra. Đây là lý do khiến nhiều DN phải đóng cửa” - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng môi trường kinh doanh đang xấu đi là do bất ổn kinh tế vĩ mô. Bất ổn kinh tế vĩ mô khiến DN không định đoán được kế hoạch kinh doanh, không thể đầu tư dài hạn. Trong điều kiện bình thường, DN vừa và nhỏ đã khó khăn hơn các DN Nhà nước, nay lại chồng chất thêm khó khăn.
Tự cứu là chính
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, biện pháp tốt nhất để DN vượt qua khó khăn lúc này là tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại DN, tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh lại các mặt hàng, rút bớt hoạt động đầu tư mạo hiểm hoặc vay vốn quá nhiều, vượt khả năng chi trả.
TS Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng tự cứu là một giải pháp quan trọng của DN hiện nay vì các DN vừa và nhỏ vốn tự lực là chính, không được nhiều ưu đãi như các khu vực kinh tế khác. Song, bà Hằng đề nghị trong giai đoạn này, DN rất cần một giải pháp hỗ trợ tổng thể, mang tính đột phá, đúng trọng tâm từ phía Nhà nước.
Các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước vẫn đang được triển khai nhưng thực hiện dàn trải, không bài bản, mang tính hành chính và tình thế. Mỗi khi DN gặp khó khăn, trợ giúp đầu tiên là chính sách thuế nhưng hỗ trợ trong lĩnh vực này tác động không lớn. Ví dụ chính sách miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh cá thể trông trẻ, cho thuê nhà trọ sinh viên, công nhân, cung cấp suất ăn cho KCN… không đủ sức tạo hiệu ứng tốt cho môi trường kinh doanh.
Điểm yếu của các DN vừa và nhỏ là trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng quản trị thấp… Vì vậy, các giải pháp hỗ trợ cần tập trung vào điểm yếu này. Có thể những giải pháp này không tính ngay được kết quả như chính sách miễn giảm thuế nhưng có tác dụng trong dài hạn, nâng cao hiệu quả của DN, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh.
Nới lỏng tín dụng: Thận trọng TS Nguyễn Đình Cung cũng cảnh báo việc thắt chặt tiền tệ gây khó khăn trực tiếp đến DN lớn thuộc khu vực Nhà nước nhiều hơn là ảnh hưởng đến DN vừa và nhỏ. Có thể những người kêu to nhất về thắt chặt tiền tệ không đại diện cho DN vừa và nhỏ mà nhằm tạo sức ép Chính phủ nới lỏng tín dụng như đã từng xảy ra giữa năm 2010. Nếu nới lỏng tín dụng, có thể cứu được một bộ phận DN trong ngắn hạn nhưng sẽ làm trầm trọng hơn khó khăn của cả nền kinh tế mà hậu quả trực tiếp là gây lạm phát. |
Bình luận (0)