Đồng lúa biến thành “cánh đồng hoang”
Anh Đặng Văn Khoa có 60 cao (6.000m2) ruộng nhưng không phải là ruộng lúa mà chỉ là đám cỏ dại mọc um tùm. Anh nói: “Từ lúc mấy ông trên huyện cho xây cống đắp bờ bao tới giờ ruộng đã không gieo sạ gì được hai vụ rồi. Cống nhỏ quá, lại đặt thấp so với mặt ruộng nên nước từ kênh không vô ruộng được, chỉ có… nước mưa! Đành để cỏ mọc rồi cắt về cho bò ăn”. Vợ chồng anh Khoa có 6 người con, chủ yếu sống nhờ vào cây lúa. Thế nhưng bây giờ các con anh, dù không muốn cũng phải đi làm thuê, làm mướn để sống.
Anh than thở: “Tui có 9 con bò sữa nhưng gần năm nay bò xuống giá, càng nuôi càng lỗ, muốn bán đi cho xong. Lúc trước có cây lúa cũng đỡ được phần nào nhưng nay thì còn lại cỏ dại, thôi thì lấy cỏ đó nuôi bò cầm cự qua ngày chứ bán bò rồi cũng không biết làm gì”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Ổi lại càng khó khăn hơn. Anh có ba người con thì một người bị ảnh hưởng chất độc da cam, bại liệt nằm một chỗ nên vợ anh suốt ngày phải ở nhà trông con. Do vậy, anh và các con còn lại phải bươn chải đủ thứ việc, lúc còn ruộng thì đỡ lo cái ăn nhưng từ khi có công trình thủy lợi mới đến giờ phải xoay xở rất vất vả. Trên 3.000m2 ruộng của anh đã trở thành đám cỏ lác để nuôi 6 con bò sữa trong tình cảnh nuôi cũng dở mà bán cũng chẳng ai mua.
Với hệ thống bờ bao và cống mới cả cánh đồng Trung Đông 131 ha “khát nước” đã bị biến thành một “cánh đồng hoang”, cỏ dại lấn át gần hết, lác đác một vài thửa ruộng được chủ nhân của nó cho đào ao nuôi cá hoặc trồng tràm một cách tự phát.
400 hộ dân và cánh đồng sẽ đi về đâu?
Theo các lão nông ở xã, cánh đồng Trung Đông xưa nay thường canh tác được ba vụ với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha/vụ. Riêng từ năm 1998 trở lại đây, nông dân chuyển sang trồng lúa giống.
Vài năm gần đây, mặc dù sản xuất lúa không còn mang lại lợi nhuận cao nữa do nhiều yếu tố như vật tư tăng giá, nguồn nước bị ô nhiễm… nhưng cây lúa vẫn là nguồn sống chủ yếu của khoảng 400 hộ nông dân ở xã Thới Tam Thôn. Năm 2003, UBND huyện Hóc Môn đã quy hoạch cánh đồng Trung Đông làm vùng chuyên canh lúa giống.
Sau đó, dự án đầu tư sản xuất lúa giống được triển khai với nhiều hoạt động như trình diễn các giống lúa mới, tập huấn kỹ thuật canh tác, xây dựng đường giao thông nội đồng, đê bao, kênh mương…, trong đó có dự án xây dựng hệ thống thủy lợi với tổng vốn hơn 7,6 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này là ngăn lũ, tiêu nước chống úng ngập cho 160 ha đất tự nhiên; cấp nước cho 131 ha đất sản xuất lúa giống đồng thời kết hợp xây dựng và cải thiện hệ thống giao thông thủy bộ nội đồng, cải thiện môi trường, chống ô nhiễm.
Đến tháng 1-2005, công trình bắt đầu được thi công. Nhưng điều đáng buồn kể từ lúc đó những thửa ruộng nằm trong vùng “ảnh hưởng” của đê bao và cống đều “chết khát”, nước có trong ruộng là nhờ trời mưa! Do vậy cả cánh đồng 131 ha chỉ có 7 ha còn trồng lúa được, những thửa ruộng này nằm ở chỗ mà cống và đê bao chưa “với” tới.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kỳ Anh, Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Hóc Môn (chủ đầu tư) thì cho rằng thiết kế của công trình là đúng yêu cầu kỹ thuật, đã có tính toán hợp lý. Còn chuyện ruộng “khát nước”, ông Anh thừa nhận là chỉ với hệ thống kênh rạch và cống đã và đang thi công thì không thể đáp ứng nhu cầu nước cho toàn bộ cánh đồng mà chỉ những thửa ruộng nào tiếp cận các cống mới có nước, những thửa khác thì phải đào thêm hàng loạt kênh nhánh nữa.
Cũng theo ông, những kênh nhánh này tuy có trong thiết kế nhưng không được cấp kinh phí nên phải chờ vận động người dân tự đào! Hơn nữa, trong lúc hệ thống thủy lợi mới chưa phát huy tác dụng thì nhiều thửa ruộng gần các kênh vẫn lấy nước qua các bộng (cống tự nhiên) có sẵn nhưng khi thi công biến bờ kênh thành đường giao thông, bộng đã bị bịt, lấp lại nên chuyện thiếu nước là có!
Chưa tính tới việc có hay không sự lãng phí hàng tỷ đồng từ dự án nói trên, điều đáng lo là cuộc sống của khoảng 400 hộ dân ở xã Thới Tam Thôn đã bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ chính quyền xã và huyện phải nhanh chóng có giải pháp giải quyết kịp thời, không thể để bà con nông dân lâm vào cảnh “tự bơi” kiếm sống.
Bình luận (0)