Lần đầu tiên một nền tảng cung ứng nhân sự từ Úc gia nhập thị trường Việt Nam góp phần vào giải bài toán nhân sự thời sự đa ngành, giai đoạn đầu sẽ tập trung lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, ăn uống (F&B).
Doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm người
Nhiều công ty du lịch cho biết đang bị thiếu nhân sự trầm trọng, bao gồm hướng dẫn viên và các bộ phận khác. Nhiều khách sạn, resort, khu du lịch, điểm vui chơi giải trí, ăn uống… cũng chưa thể tuyển dụng đủ nhân sự vì sau giai đoạn COVID-19, nhiều người đã chuyển nghề. Nay du lịch phục hồi trở lại, bài toán nhân sự trở thành nỗi lo.
Nhân sự thời vụ có thể tìm việc qua nền tảng kết nối .Ảnh: BÌNH AN
Bà Nguyễn Thái Bình, Giám đốc điều hành chuỗi Phin Cà phê, lo lắng khi nhân sự tại quán cà phê chủ yếu là sinh viên làm thêm và sẽ nghỉ sau tháng 6 khi lịch học dày hơn. "Để tuyển nhân sự, chúng tôi chủ yếu đăng tin trong các nhóm sinh viên ở gần vị trí quán. Đa số các quán thu tiền trước nên công việc của các bạn là đứng trong quầy. Công việc đơn giản, gần như ai cũng có thể làm được nhưng là công việc giải quyết nhu cầu trước mắt, ngắn hạn nên rất hiếm người muốn gắn bó" - bà Bình nói.
Lĩnh vực F&B, ngành bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch chiếm tỉ trọng lớn trong tổng đóng góp vào tăng trưởng GDP. Năm 2022, doanh thu của ngành lưu trú, ăn uống đóng góp 23 tỉ USD, tăng 52,5% so với năm trước, chỉ đứng sau ngành bán lẻ. Có điều, báo cáo thị trường F&B tại Việt Nam được iPOS.vn công bố đầu năm 2023 cho thấy trong gần 3.000 doanh nghiệp (DN) F&B được hỏi, có đến 99% lo ngại về vấn đề nhân sự. Tìm kiếm nhân sự là trở ngại lớn nhất của DN F&B bên cạnh các vấn đề như: nhân sự thiếu chuyên nghiệp (37%), chi phí lương và chi phí giữ chân nhân sự.
Nguyên nhân được báo cáo chỉ ra là do nhân sự ngành F&B thường có tính kiêm nhiệm cao, một người phải làm 2-3 vị trí, cơ hội thăng tiến không rõ ràng. "Chưa kể, phía DN sử dụng lao động hiếm khi đóng bảo hiểm xã hội, triển khai chính sách lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Điều này dẫn đến sức hấp dẫn công việc ngành này ngày càng suy giảm trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đặc thù ngành F&B có nhân sự khá phức tạp nên có 16,3% DN gặp khó khăn khi xếp lịch làm việc và 10,4% gặp sai sót khi tính lương" - báo cáo của iPOS.vn chỉ rõ.
Nắm bắt được nhu cầu này, Weploy - startup cung ứng nhân sự thời vụ của Úc vừa chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam sau khi gọi vốn thành công 5 triệu USD. Đây là startup đầu tiên ứng dụng công nghệ vào tuyển dụng và quản lý lao động theo yêu cầu. Đáng chú ý, nền tảng số này gia nhập thị trường Việt Nam sau khi đã tạo được thành công đáng kể từ thị trường Úc. Weploy Việt Nam vừa được rót vốn đầu tư 5 triệu USD từ Skymind Global Ventures ở vòng gọi vốn đầu tiên chỉ sau 3 tháng đăng ký hoạt động
"Weploy xuất thân ở Úc năm 2017, hoạt động được 5 năm và hiện trở thành ứng dụng số 2 ở Úc trong lĩnh vực tìm kiếm nhân sự trong ngành chăm sóc khách hàng. Nhưng tới Việt Nam, chúng tôi lại chọn ngành dịch vụ nói chung, trong đó có ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, bao gồm phục vụ, thu ngân, pha chế, lễ tân và tạp vụ. Bởi đây là 5 vị trí được các DN yêu cầu nhiều nhất và phù hợp nhất với lực lượng lao động trẻ hiện tại ở Việt Nam" - ông Trang Công Phát - Đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Weploy Việt Nam, cho biết.
Đầu tư vào nhân sự là then chốt
Hướng đi này được Weploy Việt Nam đưa ra sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, chạy thử nghiệm từ tháng 10-2022 và tập trung vào lĩnh vực F&B. Theo ông Trang Công Phát, trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú, nhân sự chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của DN. Sau hơn 6 tháng hoạt động và tìm hiểu thị trường Việt Nam, có dịp tiếp xúc và lắng nghe những chia sẻ thực tế của nhiều chủ DN và các lao động trong ngành, Weploy nhìn ra nghịch lý về cung - cầu giữa các DN và lực lượng lao động trong ngành F&B ở Việt Nam.
"Với lợi thế từ công nghệ số, chúng tôi sẽ giúp DN Việt xử lý các đợt tuyển dụng gia tăng đột biến theo thời vụ với hệ sinh thái ứng viên đa ngành nghề đã được kiểm duyệt về chất lượng. Từ hệ thống đào tạo và quy trình tuyển dụng nhân sự thời vụ bài bản, chúng tôi sẽ tiến hành phỏng vấn ứng viên để bảo đảm chất lượng nhân sự; tổ chức các buổi huấn luyện về thái độ, tác phong, định hướng nghề nghiệp, đào tạo chuyên ngành phục vụ từ cơ bản đến nâng cao theo các vị trí ứng tuyển... Mô hình này được kỳ vọng sẽ phát triển như câu chuyện của Uber, Grab trong lĩnh vực gọi xe công nghệ" - ông Trang Công Phát nói.
Chuyên gia về F&B, ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB Director - Horeca Business School, nhận định "thiếu và yếu" là 2 từ cơ bản nhất để nói đến vấn đề nhân sự của ngành F&B. Đặc biệt, mạng xã hội ngày nay đã thúc đẩy nhiều nghề nghiệp mới có cảm giác dễ dàng và thu nhập tốt đi kèm danh tiếng khiến nhóm ngành phục vụ như F&B trở nên ít hấp dẫn. F&B với đặc trưng là ngành dịch vụ, lịch làm việc không nghỉ các ngày lễ, Tết mà chỉ nghỉ vào những ngày trong tuần và thường xuyên phải tăng ca theo tình hình khách hàng. Các DN F&B nên coi trọng nhân sự như là nguồn lực số 1 để việc kinh doanh thành công, xây dựng chính sách nhân sự tốt; khích lệ nhân viên qua thưởng phạt rõ ràng cũng như tạo cơ hội phát triển cho nhân viên; xây dựng môi trường làm việc vui vẻ và tích cực.
"Thực tế cũng có một số chủ F&B đã có giải pháp cho vấn đề nhân sự như áp dụng cơ chế khoán cho bếp trưởng hoặc bar trưởng chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân viên. Cơ chế về thưởng doanh thu, thưởng đạt chỉ tiêu, phụ cấp thâm niên được rất nhiều cơ sở kinh doanh áp dụng giúp nhân viên trung thành hơn" - chuyên gia Đỗ Duy Thanh chỉ ra.
Cân nhắc mức phí hợp lý
Về các nền tảng, ứng dụng cung cấp nhân sự theo mô hình như xe công nghệ, ông Đỗ Duy Thanh cho rằng các chủ F&B chỉ chấp nhận 1 khoản phí hợp lý. Bởi lẽ, trừ vị trí bảo vệ và tạp vụ không phải tái đào tạo nhiều, các vị trí khác (như phục vụ, pha chế, bếp... ) đều phải đào tạo lại theo đặc thù riêng của mỗi nhà hàng, quán ăn.
Bình luận (0)