Tình trạng vàng thau lẫn lộn trên thị trường vàng đã tồn tại hàng chục năm qua. Để xác định vàng độn “thau”, người ta phải dùng lửa nấu chảy sản phẩm mới có được kết quả chính xác nhất. Trong khi đó, phương pháp kiểm tra bằng máy huỳnh quang tia X hiện đại nhất chỉ đọc được các kim loại trên bề mặt sản phẩm vàng, không phát hiện tạp chất được giấu trong ruột sản phẩm.
Bằng chứng rõ nhất là khi thị trường rộ lên thông tin vàng bị làm giả bởi kim loại wolfram, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội đã tiến hành thực nghiệm: Đưa wolfram vào lõi thỏi vàng rồi kiểm tra bằng máy huỳnh quang tia X. Kết quả, máy không phát hiện kim loại wolfram, toàn bộ thỏi vàng độn vẫn thể hiện chất lượng 9999.
Chủ một thương hiệu vàng còn tuyên bố vàng độn wolfram có nguồn gốc từ nước ngoài, nhập vào Việt Nam theo đường xách tay. Một số chủ tiệm vàng cũng đã cung cấp hợp chất được độn bên trong sản phẩm vàng cho Viện Hóa học Việt Nam phân tích. Kết quả cho thấy hợp chất đó là hỗn hợp kim loại... Thế nhưng, các thương hiệu vàng lớn ở TPHCM vẫn im hơi lặng tiếng. Và các cơ quan chức năng cũng chưa có một công bố chính thức nào…
Điều đáng nói là không một doanh nghiệp nào đưa ra thỏi vàng có độn hỗn hợp kim loại hoặc wolfram để chứng minh một cách thuyết phục. Từ đó, dư luận không khỏi băn khoăn và càng nghi ngờ về tính minh bạch của thị trường vàng. Thậm chí có người còn nghi vấn có thể đó là chuyện tung hỏa mù để khỏa lấp tình trạng sản phẩm vàng miếng, vàng nữ trang bị gian lận về độ tuổi, trọng lượng, pha trộn tạp chất… đang bị dư luận phản ứng mạnh mẽ thời gian gần đây.
Ngay cả giới kinh doanh vàng cũng cho rằng sản phẩm của các thương hiệu vàng hàng đầu vẫn có thể bị “độn” kim loại khác với các mức độ khác nhau, bởi khi sản phẩm đưa ra thị trường gần như không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm định chất lượng.
Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định người sản xuất, kinh doanh phải công bố chính xác về chất lượng của sản phẩm mà mình sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi phát hiện sản phẩm vàng không đúng với chất lượng công bố của đơn vị sản xuất, người tiêu dùng có thể báo cho cơ quan QLTT để họ tiến hành thanh tra, xử lý và buộc bồi thường. Thế nhưng, do phương pháp dùng lửa thử vàng làm biến dạng sản phẩm nên người tiêu dùng ít khi thực hiện. Đây chính là yếu tố mà đối tượng sản xuất vàng rất dễ lợi dụng để gian lận...
Nhiều ý kiến cho rằng để trấn an dư luận, bảo vệ người tiêu dùng, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, kiểm định một số sản phẩm vàng nhằm xác định rõ nguồn gốc vàng độn (nếu có) cũng như chất lượng các sản phẩm vàng, từ đó công bố rộng rãi thông tin cho người tiêu dùng biết.
Bình luận (0)