Nhiều dự án bị thế chấp, khách hàng có nguy cơ “vô gia cư” do công trình bị xiết nợ cho thấy môi trường pháp lý trong lĩnh vực bất động sản đang có kẽ hở, cần được chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.
Chủ đầu tư lừa khắp nơi
Cuối ngày 14-6, phóng viên liên lạc với đại diện Ban Quản trị chung cư Harmona và được biết chủ đầu tư chưa có thông báo gì về việc giải chấp dự án và tiến hành làm sổ hồng cho người mua căn hộ ở đây. Cư dân tiếp tục đợi đến hết ngày 15-6, hạn chót chủ đầu tư trả hết nợ cho ngân hàng (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin).
Trước đó, chung cư Harmona đã bị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Sài Gòn ra thông báo xiết nợ. Theo cam kết của đại diện chủ đầu tư, ngày 15-6 sẽ giải chấp số nợ này. Gần 600 hộ dân ở đây đang hết sức lo lắng vì không biết có bị đuổi ra đường hay không do dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng, trong đó có những căn hộ cầm cố đến 2-3 lần.
Cũng đã trả tiền nhưng không được giao nhà, hàng chục nạn nhân của dự án Vạn Hưng Phát (quận 8, TP HCM) đang lâm cảnh khốn đốn từ nhiều tháng qua. Mãi đến ngày 14-6, Công an quận 8 mới tiếp nhận đơn của ông Trần Đức Khôi (quận 10) và bà Bùi Thị Thái Thu (quận 5) tố cáo ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vạn Hưng Phát, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố cáo, ông Minh đã bán một căn hộ penthouse cho cả ông Khôi và bà Thu, thu mỗi người hơn 5,2 tỉ đồng. Ngoài 2 trường hợp này, còn nhiều người là nạn nhân của ông Minh từ năm 2011 đến nay. Phần lớn người mua đã đóng tiền 30%-50% giá trị căn hộ, có trường hợp thanh toán 90%. Đến nay, dự án này vẫn chưa xây xong móng nhưng đã thế chấp ngân hàng.
Ngoài nguy cơ mất tiền, nạn nhân của dự án Vạn Hưng Phát bức xúc bởi chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng cơ quan chức năng chưa chịu vào cuộc, ông Minh vẫn nhởn nhơ.
Ông Ngô Đình Quang Vũ, người mua căn hộ tại một chung cư ở quận 7, cho biết đã vào ở 5 năm nhưng vẫn chưa có chủ quyền, như ở lậu trong nhà mình. Ông hỏi thì chủ đầu tư đổ lỗi cho cơ quan chức năng. Giờ ông vẫn không biết kiện ai để đòi quyền lợi.
Theo ông Vũ, khi ký hợp đồng, doanh nghiệp bất động sản luôn đưa ra những điều khoản có lợi cho họ, người mua nhà chỉ “nắm đằng lưỡi” bởi không phải khách hàng nào cũng hiểu biết pháp luật.
Những nạn nhân mua phải căn hộ đã bị thế chấp ngân hàng cho rằng cơ quan quản lý cần ban hành nhiều quy định để chủ đầu tư không thể lừa khách hàng, như thống nhất hợp đồng mua bán, khi giao dịch phải qua công chứng…
Cần công khai thông tin dự án
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM, những vụ tranh chấp đã, đang và sẽ xảy ra là do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Quan trọng hơn là chưa công khai thông tin bất động sản. Hậu quả là nhiều dự án bán khi chưa đủ điều kiện.
Tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người mua nhà - minh bạch hóa thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 14-6, nhiều diễn giả thừa nhận đa số dự án tai tiếng là của những chủ đầu tư yếu kém, không đủ năng lực tài chính lẫn trình độ quản lý.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, nhìn nhận những lùm xùm xung quanh một số dự án bất động sản trên địa bàn TP trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. Đây là những dự án có chủ đầu tư không chuyên nghiệp, thiếu chiến lược, thiếu hiểu biết về pháp luật và không am tường cả việc chăm sóc khách hàng. Do không có năng lực dẫn đến tùy tiện vi phạm pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng từ khâu ký hợp đồng đến bàn giao, quản lý, vận hành chung cư. “Mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm, từ đơn vị cho đến cá nhân để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà. Đây là tiếng chuông cảnh báo kịp thời để cơ quan quản lý ghi nhận và giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân” - ông Tuấn khẳng định.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo quy định, chủ đầu tư phải có sổ đỏ mới có thể thế chấp. Đặc biệt, khi thế chấp đất và tài sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải ghi nhận nội dung này vào giấy chứng nhận. Khi nội dung thế chấp thay đổi do đã bán cho khách hàng, các bên gồm chủ đầu tư, ngân hàng phải đăng ký tài sản thế chấp. Gần đây, Chính phủ còn chỉ đạo TP rà soát lại các dự án, yêu cầu chủ đầu tư rút bớt tài sản thế chấp đã bán cho khách hàng. Chủ đầu tư không thực hiện sẽ bị xử lý. Nếu thực hiện nghiêm những quy định và chỉ đạo này, thị trường bất động sản sẽ lành mạnh.
Theo ông Thắng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thông báo đầy đủ thông tin về dự án cho người mua nhà. Trách nhiệm của khách hàng là kiểm tra tính pháp lý của dự án vì trên giấy chứng nhận thể hiện tài sản đã thế chấp hay chưa.
“Sẽ công khai để giúp người mua căn hộ biết được tính pháp lý của dự án nhằm giảm trừ rủi ro cho họ” - ông Thắng nhấn mạnh.
Bình luận (0)