Biết sai vẫn làm
Ngày 21-9, trên website của Sacombank phát đi thông tin Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Exim đã hoàn tất bán 3 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, giảm tỉ lệ nắm giữ từ 50,36 triệu đơn vị xuống còn 47,36 triệu đơn vị, tương ứng giảm từ 5,17% xuống còn 4,86% lượng cổ phiếu STB đang lưu hành. Đồng thời, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Exim cũng không còn là cổ đông lớn của STB kể từ ngày 21-9… Tuy nhiên, thông tin này không được công bố trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều đáng nói là trước đó, công ty này là một trong 3 tổ chức, cá nhân đã mua vào số lượng lớn cổ phiếu STB và trở thành cổ đông lớn của Sacombank nhưng cũng không công bố thông tin. Và phải 5-6 tháng sau, đơn vị này mới bị xử phạt với mức chỉ 60 triệu đồng.
Trước đó một ngày (ngày 20-9), giới đầu tư cũng khá bức xúc khi cơ quan chức năng công bố việc xử phạt hành chính chỉ 40 triệu đồng đối với ông Trầm Khải Hòa, thành viên HĐQT Sacombank, vì đã mua 540.000 cổ phiếu STB trong thời gian từ ngày 15 đến 22-6 nhưng không công bố thông tin theo quy định (vụ giao dịch này của ông Hòa đã được HoSE lên tiếng từ hơn 2 tháng trước nhưng đến nay mới bị phạt).
Đáng nói hơn, ngay trong lúc đã bị “phát giác” và chờ xử lý thì vào ngày 6 và 10-9, Công ty CP Chứng khoán Phương Nam do chính ông Trầm Khải Hòa làm chủ tịch HĐQT đã bán ra 2 triệu cổ phiếu STB mà vẫn không công bố thông tin trước khi giao dịch... Điều làm dư luận quan tâm hơn là bởi ông Trầm Khải Hòa là con trai của ông Trầm Bê, người không chỉ nổi tiếng trong giới tài chính mà còn là một nhân vật vừa mới tham gia vào việc thâu tóm STB thành công và chính ông Trầm Bê đang giữ chức phó chủ tịch HĐQT của ngân hàng này...
Trong thực tế, việc “tiền trảm, hậu tấu” trong giao dịch chứng khoán kiểu này thời gian vừa qua vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, dư luận cho rằng các trường hợp mua chui, bán lén cổ phiếu STB nói trên không thể coi là những vi phạm thông thường trong giao dịch cổ phiếu bởi các đối tượng vi phạm này rõ ràng đã biết rõ luật nhưng vẫn tái phạm.
Chưa đủ răn đe
Theo quy định về công bố thông tin tại Thông tư 52, thay thế cho Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 1-6, quy định tổ chức, cá nhân có liên quan HĐQT phải báo cáo trước ngày thực hiện giao dịch cổ phiếu tối thiểu 3 ngày làm việc và chỉ được bắt đầu tiến hành phiên giao dịch đầu tiên sau 24 giờ kể từ khi có công bố thông tin trên sở giao dịch chứng khoán. Tuy vậy, quy định về mức xử phạt vi phạm chỉ từ 30 triệu đến 50 triệu đồng. Vì vậy, mặc dù vi phạm đã rành rành với mức độ có tính chất “thách thức” như thế nhưng các đối tượng trên chỉ bị phạt “phủi bụi”, không đủ sức răn đe.
Các chuyên gia tài chính cho rằng việc mua chui, bán lén cổ phiếu đã trở thành căn bệnh trầm kha và đang bị… “lờn thuốc” nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp “chữa trị” mới thì chắc chắn sẽ còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
“Nếu không có biện pháp nào mạnh tay hơn mà cứ để các đại gia, cổ đông lớn tiếp tục “làm mưa làm gió” như thời gian qua sẽ càng làm nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán”- giám đốc môi giới của một công ty chứng khoán bức xúc.
Mất uy tín trong mắt nhà đầu tư Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc kêu gọi vốn ngoại vào Việt Nam, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Sài Gòn (SAM), cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài không đánh giá cao những doanh nghiệp thường vi phạm các quy định của pháp luật. Ngược lại, họ sẽ có cái nhìn không tốt về vai trò của những người quản lý, điều hành doanh nghiệp, kể cả người có liên quan. “Một doanh nghiệp mà những người quản trị cứ lâu lâu lại mua chui, bán lén cổ phiếu của mình thì chắc chắn nhà đầu tư nghĩ họ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân chứ không quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đến quyền lợi nhà đầu tư”- vị chuyên gia này nhận xét. |
Bình luận (0)