Ngoài việc gây tổn thất nặng nề cho vụ đông xuân, mưa giông liên tục còn ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống vụ hè thu ở ĐBSCL.
Tổn thất 50% sản lượng
Ông Lê Văn Lam (ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết cách nay vài ngày, gia đình ông thu hoạch lúa đông xuân trong mưa dầm nên sản lượng rất thấp so với trung bình nhiều năm qua.
Nông dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang bị thiệt hại nặng do lúa ngã đổ sau mưa giông Ảnh: THỐT NỐT
Theo ông Lam, đông xuân là vụ chính trong năm nhưng đa phần năng suất lúa ở vùng này chỉ đạt 3-4 tấn/ha nên rất khó có lợi nhuận dù giá lúa đang ở mức cao. Cùng kỳ năm ngoái, lúa đông xuân ở đây đạt 6-7 tấn/ha. Hiện giá nếp tươi tại ruộng dao động 5.000-5.100 đồng/kg, giá lúa hạt dài cao hơn 300-400 đồng/kg. Giá lúa chất lượng thấp IR 50404 cũng đứng ở mức 4.800-4.900 đồng/kg. Nếu nông dân tự phơi sấy, làm khô các loại lúa thì bán được cao hơn 1.000 đồng/kg. Thông thường, nếu lúa đứng thì giá thuê nhân công hoặc máy gặt đập liên hợp thu hoạch chỉ 140.000-150.000 đồng/công (1.000 m2). Tuy nhiên, nếu gặp mưa giông, lúa đổ ngã thì chi phí này có nơi tăng gấp đôi.
"Lúa ngã hoàn toàn thì máy vẫn gặt được với điều kiện là không mưa trong 2 ngày liên tục sau đó nhưng phải chịu tổn thất lớn. Chẳng hạn, lúa đứng thu hoạch được 40 giạ/công nhưng đến chiều cùng ngày gặp phải trận mưa lớn nằm bẹp thì còn chưa tới 30 giạ. Trường hợp phải cắt ngay thì tổn thất còn lớn hơn, có khi lên tới 50% sản lượng. Tổn thất là do hạt lúa bị cuốn theo rơm rạ thổi ra ngoài. Nông dân vất vả suốt hơn 3 tháng nhưng gặp một trận mưa giông lớn thì coi như trắng tay. Nông dân mình khổ dài dài là vậy đó" - ông Lam bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Thảnh (ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), hơn 2 ha lúa của gia đình ông chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa to, gần 80% diện tích bị ngã đổ, ngâm trong nước nhiều ngày. Do đó, ông phải thu hoạch sớm để tránh hạt nảy mầm, chỉ còn cách bán cho vịt ăn, chứ chẳng thương lái nào ngó ngàng tới.
"Giá thuê máy cắt lúa ở đây có phần rẻ hơn bên Đồng Tháp do nhiều chủ máy cạnh tranh nhau. Thậm chí, chủ máy gặt đập liên hợp còn nhận luôn khâu vận chuyển ra tận bờ kênh, giá 170.000-180.000 đồng/công. Năng suất lúa vụ đông xuân này chỉ đạt khoảng 30-35 giạ/công, tương đương 6-7 tấn/ha, mà cứ gặp mưa dầm liên tục thì nông dân càng khổ vì phải gánh thêm nhiều chi phí từ khâu vận chuyển cho đến phơi sấy. Nông dân bây giờ đủ thứ phải lo, từ việc ngóng giá lúa lên từng ngày cho đến cầu trời cho mưa thuận gió hòa" - ông Thảnh than thở.
Ông Đặng Văn Lâm (ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) rầu rĩ: "Nhà tôi trồng 6 công lúa IR 50404, những ngày qua mưa liên tục, máy gặt đập rất khó vào cắt, lại bị tổn thất nhiều. Lúa đổ ngã kém chất lượng, bị thương lái ép giá, chỉ mua 4.100 đồng/kg. Biết không có lời nhưng tôi vẫn phải bán vì trời mưa tầm tã, không biết bao giờ mới có nắng".
Theo nhiều nông dân ở TP Cần Thơ, hiện giá thuê máy gặt đập liên hợp đã tăng 30.000-80.000 đồng/công đối với lúa đổ ngã. Với lúa đứng trên nền đất khô ráo, giá thuê máy gặt đập liên hợp khoảng 270.000 đồng/công nhưng lúa đổ ngã thì 300.000-350.000 đồng/công trở lên.
Khẩn trương cứu lúa
Nhiều nơi ở ĐBSCL bắt đầu xuống giống vụ hè thu sớm. Tuy nhiên, ngoài việc gây ngập úng trên diện rộng, mưa lớn còn ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống, phát sinh sâu bệnh và côn trùng gây hại trên lúa hè thu ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Tại Bạc Liêu, theo kế hoạch, vụ lúa hè thu năm nay xuống giống khoảng 60.000 ha. Đến thời điểm này, nông dân đã gieo cấy được hơn 42.000 ha. Tuy nhiên, do mưa lớn trên diện rộng khiến hơn 6.000 ha lúa vừa xuống giống đã bị ngập úng. Trong đó, hơn 1.200 ha bị thiệt hại 100%.
Ông Thái Văn Nhơn (ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã xuống giống vụ hè thu hơn 10 ngày nhưng chỉ sau vài cơn mưa lớn, toàn bộ đã chìm trong nước. "Nếu nước không rút và cứ mưa như thế này thì khả năng lúa chết là rất lớn, phải gieo sạ lại từ đầu và có nguy cơ không kịp thời vụ" - ông Nhơn lo lắng.
Trên địa bàn Bạc Liêu còn có hơn 8.000 ha lúa bị ốc bươu vàng, chuột, đạo ôn lá... tàn phá. Trước tình trạng thiên tai bất lợi này, tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng các địa phương mở hệ thống cống, đập để nhanh chóng thoát nước nhằm hạn chế thấp nhất diện tích lúa chết, giảm thiệt hại cho nông dân.
Theo đó, Bạc Liêu sẽ mở hàng hoạt cống, đập dọc Quốc lộ 1 thoát nước ra vùng phía Nam. Đồng thời, cùng với người dân khẩn trương gia cố bờ bao, cống, đập, dùng máy bơm nước cứu lúa, nhất là những khu vực trũng, ngập nặng. Tuy nhiên, điều lo ngại là trong quá trình mở cống không tránh khỏi nguy cơ nước mặn tràn vào, nhất là thời điểm này, triều cường dâng cao vào đầu tháng 5 âm lịch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL đã cơ bản hoàn tất thu hoạch lúa đông xuân với sản lượng 9,6 triệu tấn, giảm 361.000 tấn so với cùng kỳ. Ngoài việc bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn từ năm trước, năng suất lúa đông xuân giảm còn do bị ảnh hưởng của sâu bệnh, những trận mưa giông trái mùa liên tiếp ở thời điểm lúa trổ bông và thu hoạch làm cho nhiều diện tích bị đổ ngã, tỉ lệ thất thoát trong thu hoạch và hạt lép tăng. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân thấp so với năm trước như Đồng Tháp giảm 165.800 tấn, Long An giảm 96.500 tấn, Cần Thơ giảm 59.100 tấn, Kiên Giang giảm 50.600 tấn.
77 căn nhà sập và tốc mái
Theo báo cáo nhanh của ngành nông nghiệp huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, đến nay, mưa kèm theo giông lốc đã gây thiệt hại đáng kể ở địa phương này. Theo đó, 77 nhà dân bị sập hoàn toàn hoặc tốc mái, 2 tàu cá bị sóng biển đánh chìm, tổng thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng. Trong đó, xã Mỹ Hiệp Sơn chịu thiệt hại nặng nề nhất với 56 nhà bị sập và tốc mái.
Bình luận (0)