Xu hướng mua hàng Mỹ qua mạng nở rộ khoảng nửa năm trở lại đây. Nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế ở Mỹ năm trước, giá hàng hóa giảm mạnh nên kích thích sức mua. Bên cạnh đó, trong cơn lốc mất việc làm có một số lượng lớn Việt kiều đã nghĩ cách tìm thêm thu nhập bằng việc kết hợp với thân nhân ở VN cung cấp những hàng hóa Mỹ thông qua hình thức buôn bán qua mạng.
Từ chai dầu gió đến... ô tô
Hiện nay có hàng chục trang web chuyên quảng cáo bán hàng Mỹ như http://muahangmy.com, http://hanghieu.muahangmy.com, http://muahanghieu.com, http://thanhtoan.us, www.ebay, www.etm.vn, www.bestdeals.vn...
Có những trang web được thành lập dưới dạng công ty, nhưng cũng có nhiều trang web mở ra ban đầu chỉ là phục vụ khách quen rồi truyền miệng nhau dần trở thành trang web bán hàng Mỹ chuyên nghiệp. Gọi là trang web bán hàng nhưng thực chất là môi giới, nghĩa là khi nhận được đơn đặt hàng từ khách hàng VN, đơn vị quản lý trang web sẽ đại diện cho khách đặt hàng tại Mỹ rồi vận chuyển về VN, làm thủ tục hải quan và chuyển đến cho người mua.
Đại diện một trang web bán hàng Mỹ cho biết: Lúc mới thành lập cách đây nửa năm, mỗi ngày chỉ có vài chục khách hàng truy cập và chủ yếu là xem hàng thì nay con số truy cập hằng tháng vào khoảng vài trăm ngàn lượt khách, trong đó có khoảng 1/3 lượng khách đặt mua hàng.
Hàng hóa Mỹ bán trên mạng có nhiều chủng loại. Những mặt hàng giá trị nhỏ nhất như chai dầu gió xanh giá vài chục ngàn đồng hay đến hàng có giá trị lớn như linh kiện ô tô, ô tô... giá từ vài triệu đến cả tỉ đồng cũng được chào bán.
Nhiều trang web còn chia ra thành từng nhóm hàng như thời trang, điện tử, đồ thể thao, đồ trẻ em và đồ chơi, sữa, thực phẩm và thực phẩm chức năng, thuốc, mắt kính, mỹ phẩm, laptop, điện thoại di động, đồng hồ, ô tô...
Để mua hàng Mỹ trên các trang web này, ngoài việc trả tiền theo giá sản phẩm, khách phải trả thêm các loại phí như phí vận chuyển, thuế, phí dịch vụ đặt hàng... Ngoài các khoản thuế phải đóng theo quy định của từng loại hàng, các khoản phí vận chuyển và phí dịch vụ đặt hàng của mỗi trang web có khác nhau, dao động từ 300.000 đồng – 500.000 đồng/kg hoặc từ 15% - 30% tổng giá bán của đơn hàng.
Nhiều rủi ro
Phải nhìn nhận hàng hóa bán tại Mỹ có giá tương đối rẻ nhưng khi mua qua mạng cộng thêm nhiều loại phí thì khi về đến VN không phải hàng nào cũng rẻ, một số còn cao hơn so với giá ở thị trường VN. Chẳng hạn, trọn bộ 6 lon sữa Enfamil dù đã được giảm giá 30% nhưng vẫn còn 2,774 triệu đồng (tính ra khoảng 460.000 đồng/lon 366 g); trọn bộ 6 lon sữa Ensure giá 1,839 triệu đồng (khoảng 305.000 đồng/lon 397 g)... Đây là mức giá quá cao so với VN.
Một rủi ro khác người tiêu dùng cũng cần chú ý là không phải trang web nào cũng đủ tin cậy để có thể thanh toán trực tuyến, nhất là những trang chuyên bán đấu giá mà người bán và người mua tự thỏa thuận giá và thanh toán với nhau.
Mới đây, chị Huỳnh Ngọc Minh (nhà ở quận Ba Đình – Hà Nội) đã bị mất hơn 10 triệu đồng trong tài khoản khi đặt mua qua mạng một hộp thuốc mọc tóc giá 1,4 triệu đồng. Khi khiếu nại thì mới biết trang web này đăng ký tại Mỹ nên không thể khiếu nại.
Đối với một số trang web không uy tín khách hàng cũng rất khó khiếu nại về chất lượng. Chị Trần Tuyết Lan, điều phối một trang web chuyên bán hàng Mỹ qua mạng, cũng thừa nhận: Chủ yếu là tin tưởng lẫn nhau bởi người bán cũng chỉ là người môi giới...
Sự thật không như quảng cáo Trong số hàng Mỹ bán trên mạng thì những loại hàng nhạy cảm như thuốc chữa bệnh “khó chia sẻ” luôn nằm trong danh sách hàng bán chạy, song không phải chất lượng lúc nào cũng đúng như quảng cáo. |
Bình luận (0)