Điểm nhấn chứng tỏ sự thâm nhập của người Thái vào thị trường Việt Nam là việc Tập đoàn Berli Jucker Corpozation (BJC) đã thương lượng thành công để trở thành ông chủ mới của Metro. Hồi đầu năm, một thương vụ khác cũng gây ồn ào là đại gia bán lẻ Central Group tuyên bố mở chuỗi siêu thị Robinson Department tại Trung tâm Thương mại Royal City Hà Nội.
Chất lượng tốt, giá rẻ
Tuy nhiên trên thực tế, người Thái đã tìm đến Việt Nam từ trước đó thông qua việc BJC rót khoản tiền 656 tỉ đồng cùng Tập đoàn Mongko mở siêu thị phân phối hàng Thái ở thị trường Việt Nam và các nước Lào, Campuchia trong năm 2012. Đầu năm 2013, chuỗi siêu thị Family Mart (TP HCM) cũng đã về tay người Thái và đổi tên thành B’mart…
Sự hiện diện của hàng Thái Lan tại Hà Nội, TP HCM so với thời điểm cách đây 2-3 năm đã tăng đáng kể về lượng cũng như mẫu mã, thậm chí mua hàng Thái đang trở thành trào lưu. Không khó để tìm thấy những cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan tại các phố ở Hà Nội như Tây Sơn, Giảng Võ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn An Ninh… với hàng trăm mặt hàng tiêu dùng, gia dụng phong phú về chủng loại, kiểu dáng, đặc biệt là giá cả phải chăng.
Một nhân viên bán hàng tại siêu thị hàng Thái trên đường Phạm Ngọc Thạch so sánh: “Cách đây 2 năm, giá hàng hóa xách tay từ Thái Lan về thường cao hơn 30% so với hàng Trung Quốc và hàng sản xuất trong nước nhưng vẫn được lòng khá nhiều khách hàng nhờ chất lượng, nay chênh lệch về giá giữa các loại hàng này không còn lớn nên người dân mua sắm hàng Thái ngày càng nhiều”.
Hàng chục nhóm hàng với hàng trăm sản phẩm hàng Thái hiện đã xuất hiện trên kệ của các cửa hàng chuyên đồ Thái lẫn những đại lý hàng nhập khẩu, hàng xách tay. Trong đó hút khách nhất là các sản phẩm hóa mỹ phẩm (dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng…), sau đó đến đồ nhà bếp, đồ ăn. “Lợi thế của hàng Thái Lan là chất lượng bảo đảm, giá rẻ hơn nhiều so với hàng cùng loại nhập từ Nhật, Hàn Quốc, nhất là các mặt hàng hóa mỹ phẩm nên khách hàng ngày càng ưa dùng” - chủ cửa hàng chuyên bán đồ Thái trên đường Tây Sơn nhận xét. Bà chủ này cũng cho biết tuy cửa hàng mở chưa được 3 năm (từ năm 2012) nhưng doanh số bán hàng đều tăng qua các năm, tập trung ở mặt hàng hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng.
Từng bước chiếm lòng tin người tiêu dùng
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng hàng Thái Lan đã âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN được ký kết cách đây khá lâu nhưng thông qua nhiều thương vụ lớn mới đây thì người tiêu dùng càng để ý đến.
Theo ông Thắng, người Thái đã đến với Việt Nam bằng chiến lược thâm nhập thị trường và chiếm lòng tin của người Việt một cách bài bản. Thứ nhất, Thái Lan đã đầu tư lâu dài nhiều lĩnh vực ở thị trường Việt Nam như thực phẩm chế biến, nông sản, công nghiệp tiêu dùng và tham dự một số hoạt động logistic. Thứ hai, hằng năm Thái Lan đều kiên trì tổ chức các hội chợ hoành tráng tại những thành phố lớn để tiếp thị sản phẩm, lôi kéo người tiêu dùng. Thứ ba, họ đã âm thầm tổ chức các cửa hàng tiện lợi ở nhiều khu vực dân cư, các thành phố, thị trấn lớn; ngay cả Yên Bái, Đà Nẵng, Huế cũng có mặt hàng Thái, chợ Đồng Xuân - thủ phủ hàng Trung Quốc tại TP Hà Nội - hiện nay cũng có những quầy bán hàng Thái Lan. Nhưng trên hết, hàng Thái Lan chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ chất lượng.
Theo các doanh nghiệp, chiến lược của người Thái đã thành công khi hàng hóa của họ vào nước ta ngày càng nhiều và Việt Nam phải chấp nhận khi mở cửa với thị trường thế giới. Doanh nghiệp Việt nên coi đó là bài học trong cách đầu tư vào chất lượng sản phẩm để không mất thị trường. “Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh hơn nữa vào đầu tư chất lượng sản phẩm, đi sâu chiếm lĩnh thị trường nông thôn, thị trường dành cho người có mức thu nhập trung bình trở xuống ở thành thị bởi lâu nay, thị trường này đã “bỏ không” cho hàng Trung Quốc giá rẻ. Hợp tác, hỗ trợ nhau để tăng sức mạnh, tăng kinh nghiệm trước môi trường cạnh tranh gay gắt không chỉ với Thái Lan mà cả khối ASEAN chính là đường ra cho doanh nghiệp Việt giữ lại thị trường của mình” - chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.
Người tiêu dùng thêm cơ hội
Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, sắp tới thị trường bán lẻ sẽ có sự thay đổi với việc giảm dần hàng hóa không rõ nguồn gốc, thay vào đó là hàng hóa chất lượng bảo đảm của Việt Nam và các nước ASEAN. Tuy vậy, hàng Việt khó bị đè bẹp bởi hàng hóa nước ngoài không dễ chiếm lại 90% thị phần trong các siêu thị lớn vốn là chỗ đứng của hàng Việt. Điều quan trọng là người tiêu dùng sẽ có thêm cơ hội mua hàng chất lượng, giá rẻ khi hàng hóa các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Bình luận (0)